Ngoại giao ‘cây tre Việt Nam’ trong mắt bạn bè quốc tế

Các quan chức ngoại giao và học giả quốc tế đã có nhiều nhận định tích cực về đường lối “ngoại giao cây tre” của Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc lần thứ nhất tại Hà Nội, tháng 12/2021. (Ảnh: QT)

Đó là: Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, “tuỳ cơ ứng biến”, “lạt mềm buộc chặt”!

(Trích phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc lần thứ nhất)
Cựu Đại sứ Cuba tại Việt Nam Fredesmán Turró González. (Ảnh: QT)

Cựu Đại sứ Cuba tại Việt Nam Fredesmán Turró González. (Ảnh: QT)

Đậm dấu ấn Tổng Bí thư

Cựu Đại sứ Cuba tại Việt Nam (1999-2004 và 2008-2013) Fredesmán Turró González, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Cuba-Việt Nam khẳng định, Việt Nam đã trở thành hình mẫu cho các nước đang phát triển, nhất là đối với những nước đang trong giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Đề cập thành tựu của ngoại giao Việt Nam không thể không nhắc đến đường lối đối ngoại “cây tre Việt Nam” khôn khéo, linh hoạt nhưng rất bản lĩnh, kiên cường và mang dấu ấn mạnh mẽ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ông González nhấn mạnh, công cuộc Đổi mới từ năm 1986 mở cánh cửa để Việt Nam hướng ra bên ngoài nhằm mở rộng quan hệ, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.

Ngày nay, Việt Nam tham gia rất tích cực vào hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, tận dụng một cách thông minh, khéo léo những yếu tố tích cực do toàn cầu hóa mang lại mà không từ bỏ những nguyên tắc đối ngoại của mình, đồng thời hạn chế tác động của những yếu tố tiêu cực. Việt Nam trở thành một đối tác đáng tin cậy với tất cả các bên và đã thiết lập quan hệ hợp tác chiến lược với nhiều nước.

Hiện Việt Nam là chủ thể quan trọng trên chính trường quốc tế, hoạt động sôi nổi, có đóng góp đáng chú ý tại các tổ chức và diễn đàn quốc tế, là đối tác tin cậy và tham gia tích cực vào tiến trình hội nhập quốc tế và khu vực.

Theo ông, Việt Nam là thành viên tích cực của ASEAN và duy trì quan hệ ngoại giao với hơn 190 quốc gia, đồng thời tăng cường mức độ trao đổi thương mại và hợp tác vì lợi ích chung, duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.
Cựu Phó Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ S.D. Pradhan. (Ảnh: QT)

Cựu Phó Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ S.D. Pradhan. (Ảnh: QT)

Thúc đẩy nhiều lợi ích

Theo cựu Phó Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ S.D. Pradhan, sự so sánh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về chính sách đối ngoại phản ánh chính xác cách tiếp cận của Việt Nam đối với các vấn đề đối ngoại, đó là tận dụng tốt nhất các cơ hội và ngoại giao sẵn có để thúc đẩy lợi ích của người dân Việt Nam.

Học giả Ấn Độ nhận định, niềm tin vững chắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào giải quyết hòa bình các tranh chấp đã đặt nền móng vững chắc cho sự hình thành của ngoại giao “cây tre Việt Nam”.

Ông Pradhan cho rằng, sự lãnh đạo sáng suốt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng góp phần định hình cách tiếp cận của Việt Nam với các vấn đề khu vực và quốc tế.

Nhà ngoại giao này cũng đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong ASEAN và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cũng như đóng góp của Việt Nam vào công tác gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Ông Pradhan cho rằng, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, sáng kiến có nhiều điểm tương đồng với Sáng kiến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Ấn Độ. Những bước đi trên đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo ông, quan hệ Việt Nam-Ấn Độ chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, với hai nước chia sẻ quan điểm trong nhiều vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, cũng như mong muốn giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp ngoại giao.
Giáo sư Go Ito. (Ảnh: QT)

Giáo sư Go Ito. (Ảnh: QT)

Một phép ẩn dụ thú vị

Giáo sư Go Ito, chuyên ngành Quan hệ quốc tế, Khoa học chính trị, Đại học Meiji (Nhật Bản) cho rằng, cách gọi ngoại giao “cây tre Việt Nam” là một phép ẩn dụ thú vị.

Theo ông, những nét chính của đường lối ngoại giao này là khả năng phục hồi, tính linh hoạt và sự khiêm tốn. Giáo sư Go Ito nhấn mạnh sự linh hoạt tồn tại trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, trong việc duy trì mối quan hệ với các nước.

Chuyên gia Nhật Bản đánh giá Việt Nam đang ở trong một môi trường có thể đạt được vị thế quan trọng trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), có sự gắn kết về chính trị và kinh tế với các nước như Nhật Bản và Hàn Quốc.

Đề cập quan hệ Việt Nam – Nhật Bản, Giáo sư Go Ito cho rằng các yếu tố địa chính trị và địa kinh tế của việc là quốc gia gần Nhật Bản nhất ở Đông Nam Á, đồng thời là quốc gia kết nối với bán đảo Đông Dương, được coi là động lực trong quan hệ Việt Nam – Nhật Bản hiện nay.
Cựu Đại sứ Israel tại Việt Nam (2001-2003) Amikam Levy. (Ảnh: QT)

Cựu Đại sứ Israel tại Việt Nam (2001-2003) Amikam Levy. (Ảnh: QT)

Sự kết hợp tài tình

Nhận định về “ngoại giao cây tre” Việt Nam, Chủ tịch Hội Hữu nghị Israel-Việt Nam, cựu Đại sứ Israel tại Việt Nam (2001-2003) Amikam Levy cho rằng ngoại giao “cây tre Việt Nam” là sáng kiến tuyệt vời, trở thành một phong cách lãnh đạo và sự cam kết.

Là người từng đi nhiều địa phương ở Việt Nam, bao gồm cả các vùng nông thôn, ông hiểu rất rõ về cây tre.

Theo Chủ tịch Hội Hữu nghị Israel-Việt Nam, loài cây này luôn linh hoạt và mạnh mẽ, cũng như có tính cộng đồng cao. Tại Việt Nam, cây tre có ở khắp nơi. Từ xa xưa, người Việt Nam đã dùng cây tre để chế tạo nhiều thứ, từ làm nhà, thuyền bè tới các vật dụng như rổ rá. Cây tre mềm dẻo, nhưng cũng mạnh mẽ, dẻo dai và đáng tin cậy.

Vì thế, với cựu Đại sứ Amikam Levy, sự kết hợp giữa “ngoại giao” và “cây tre” phản ánh nền ngoại giao Việt Nam: Mềm dẻo nhưng mạnh mẽ, dẻo dai và đáng tin cậy. Tất nhiên, việc thực thi chính sách “ngoại giao cây tre” là không hề dễ dàng, đòi hỏi một tinh thần trách nhiệm cao và kiên trì để vượt qua nhiều trở ngại. Tuy nhiên, ông tin rằng Việt Nam sớm vượt qua được những trở ngại đó.

Chia sẻ ấn tượng về vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc đưa đất nước đạt được những thành tựu kinh tế – xã hội thời gian qua, ông Amikam Levy khẳng định, Việt Nam đã chọn đúng hướng, có một bộ máy lãnh đạo mạnh mẽ, có khát vọng và cam kết rõ ràng.

Lãnh đạo Việt Nam có tầm nhìn và sự cống hiến vì nhân dân; làm cho đất nước trở nên hùng mạnh hơn, đồng thời làm cho đời sống nhân dân hạnh phúc và sung túc hơn.

Trong bối cảnh đó, ông cho rằng mối quan tâm dành cho người dân, cùng trăn trở với lời thề nguyện mang lại độc lập, tự do cho dân tộc là điểm chung giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và cố Thủ tướng Israel Ben-Gurion, hai nhà lãnh đạo đã đặt nền móng cho quan hệ hai nước vào năm 1946-1947 tại Paris (Pháp), trước khi Israel tuyên bố độc lập vào tháng 5/1948.

Chính sự tương đồng về lịch sử, các giá trị cơ bản về gia đình, tình bạn, ý chí mạnh mẽ để mang lại lợi ích cho người dân đã kéo hai nước xích lại gần nhau. Ông Levy nhận định ở thời điểm hiện tại, quan hệ hai nước đang phát triển tốt đẹp. Hai nước cần có thêm nhiều sự kiện, các đợt tuyên truyền và các cuộc nói chuyện, nhất là về văn hóa, tăng cường hiểu biết lẫn nhau./.

Related Posts

Kinh Bắc News

Kinh Bắc Web Blog’s chuyên cập nhật chia sẻ thông tin kiến thức kinh nghiệm thiết kế và nhiều nội dung hấp dẫn. Theo dõi chúng tôi để cập nhật thêm nhiều kiến thức thông tin thú vị nhé. Website: kinhbacweb.com | tinhocbacninh.biz.vn | tinhdautamngoc.com

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *