Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ: Việt Nam có lợi thế cạnh tranh trong chuỗi cung ứng

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường Jose W. Fernandez chia sẻ với báo chí một số nội dung trong chuyến thăm và làm việc của ông tại Việt Nam.

Trọng tâm của chuyến đi nhằm tăng cường các cơ hội hợp tác thương mại, thúc đẩy năng lượng sạch, hợp tác bán dẫn và chuỗi cung ứng cũng như các hợp tác kinh tế khác, theo sau tuyên bố nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9/2023.

“Trong những ngày ở Việt Nam, tôi nghĩ mình hiểu được niềm tự hào của người Việt Nam đối với sự phát triển, những thành quả kinh tế liên tục và nhất quán. Đi đôi với đó là cảm giác lạc quan. Họ không chỉ tự hào về quá khứ mà còn lạc quan về tương lai của mình”, 

ông Fernandez nói.

“Một điều khác mà bạn không thường thấy là sự khiêm tốn”, 

Thứ trưởng Mỹ bình luận,

Việt Nam đang đối mặt với một tương lai tươi sáng. Nhưng vẫn còn nhiều điều muốn học hỏi từ các nước khác, từ việc hợp tác với các nước khác, và chúng tôi đến đây với tinh thần cố gắng xem có thể hợp tác với Việt Nam như thế nào khi xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn”.

Ông cũng nói về những cơ hội và lợi thế cạnh tranh mà Việt Nam có thể tận dụng để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Jose W. Fernandez.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Jose W. Fernandez.

– Sau khi kí kết thỏa thuận nâng cấp quan hệ, hai nước đã đi đến đâu trong hợp tác về bán dẫn và đất hiếm?

Đó là một phần trọng tâm chuyến thăm của tôi. Đã có khá nhiều cam kết liên quan xuất phát từ thực tế là năm ngoái, Quốc hội Mỹ đã ban hành Đạo luật về chip, trong đó không chỉ quy định về sản xuất chất bán dẫn ở Mỹ mà còn hỗ trợ các quốc gia khi họ đang cố gắng tạo ra chuỗi giá trị bán dẫn quốc tế.

Trong những năm qua, chúng ta đã học được rằng cần đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình, không chỉ trong chất bán dẫn mà còn trong các lĩnh vực khác như dược phẩm, khoáng sản quan trọng, v.v… Vì vậy, Việt Nam đã trở thành một trong 7 quốc gia trên thế giới được chúng tôi tài trợ theo quỹ bán dẫn quốc tế. Và những gì chúng ta sẽ làm là nỗ lực phát triển lực lượng lao động, tìm cách cải thiện môi trường đầu tư cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Hiện nay, các công ty trên khắp thế giới đều nói với chúng tôi rằng hạn chế lớn nhất mà họ phải đối mặt khi cố gắng mở rộng chuỗi cung ứng chất bán dẫn là phát triển lực lượng lao động. Có những công ty đang nói với chúng tôi rằng họ muốn đầu tư vào Việt Nam, nhưng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lực lượng lao động có trình độ, điều không chỉ xảy ra ở Việt Nam.

Như vậy, chúng tôi sẽ hợp tác với Việt Nam và hỗ trợ các mục tiêu của Việt Nam về việc có hơn 50.000 kỹ sư trong vài năm tới. Điều đó rất quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam trong ngành bán dẫn.

Ngoài ra, trong một hoặc hai tháng tới, chúng tôi sẽ nhận được khuyến nghị từ OECD về cách có thể giúp Việt Nam cải thiện lực lượng lao động trong lĩnh vực bán dẫn. Đây là điều có tính cấp bách bởi vì Việt Nam hiện có cơ hội được hưởng lợi từ chuỗi cung ứng chất bán dẫn an toàn, một phần quan trọng của an ninh kinh tế đối với tất cả chúng ta.

– Trong sự kiện sáng nay ông có nói đến việc các công ty Mỹ sẵn sàng đầu tư 8 tỷ USD vào lĩnh vực bán dẫn ở Việt Nam, ông có thể xác nhận và chia sẻ thêm? 

Đó là những gì tôi đã nói với các sinh viên hôm nay tại Đại học Kinh tế Quốc dân, là ngay bây giờ, chứ không phải năm sau, có 15 công ty đã nói với chúng tôi rằng họ sẵn sàng đầu tư (với tổng giá trị) tới 8 tỷ USD vào chất bán dẫn.

Nhưng họ đã nói với chúng tôi rằng phải đối mặt với một số hạn chế, một trong số đó là họ đã cam kết với các cổ đông và khách hàng rằng sẽ chỉ sử dụng năng lượng tái tạo. Vì vậy, họ đang chờ những đổi mới và mở rộng về năng lượng tái tạo ở Việt Nam, cũng như đang chờ giấy phép để có thể thiết lập hệ thống năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Đây là một cơ hội để thực hiện hai việc, cả hai đều sẽ mang lại lợi ích cho người dân Việt Nam. Một là mở rộng ngành công nghiệp bán dẫn. Và thứ hai, tăng cường năng lượng sạch ở Việt Nam. Đó là ví dụ điển hình về biến khó khăn thành cơ hội. Như bạn đã biết, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu. Có thể biến tổn thương đó thành lợi ích bằng cách tạo ra năng lượng sạch. Đây là tình huống đôi bên cùng có lợi.

– Trong các cuộc gặp của ông có nói về những ưu đãi khi đầu tư vào bán dẫn ở Việt Nam hay không và các ưu đãi đó được phân bổ như thế nào? 

Tôi không muốn nói đến chi tiết cụ thể của cuộc trò chuyện, hay các vấn đề về thuế với chính phủ Việt Nam vì nó nằm ngoài khả năng của tôi. Nhưng tôi tin rằng động lực của Việt Nam khi phát triển lĩnh vực này là họ nhận ra điều này sẽ mang lại lợi ích, cho dân số trẻ tuổi của họ, đưa họ lên cao hơn trong chuỗi giá trị. Vì vậy đây là điều mà họ sẵn sàng làm và quan tâm và chúng tôi sẽ nói chuyện về những gì mình có thể làm để hỗ trợ họ trong nỗ lực đó.

– Ông đánh giá thế nào về tiềm năng của các công ty xe điện Việt Nam ở Mỹ?

Như các bạn đã biết, có một khoản đầu tư của công ty Việt Nam ở Bắc Carolina vào lĩnh vực này và chúng tôi rất hoan nghênh khi dấu hiệu đầu tư từ nước ngoài vào Mỹ thể hiện niềm tin vào nền kinh tế của chúng tôi. Nỗ lực này cũng mang công nghệ mới đến Mỹ, tạo thêm việc làm, tăng thêm đầu tư. Vì vậy, chúng tôi rất vui mừng khi thấy đầu tư của Việt Nam vào Mỹ.

– Chính phủ Mỹ có ảnh hưởng đến mức độ nào về quyết định của các công ty trong lĩnh vực bán dẫn?

Chúng tôi không thể nói với họ nên làm gì hay ra lệnh cho họ quyết định. Nhưng những gì chúng tôi có thể làm và đang làm là hợp tác với Việt Nam để cải thiện môi trường kinh doanh, cải thiện quy định về năng lượng để cho phép thêm các công ty vào Việt Nam.

Việt Nam có rất nhiều lợi thế. Bạn có một lực lượng lao động rất trẻ có trình độ, là một điểm cộng nhân khẩu học. Bạn còn có thị trường nội địa 100 triệu dân, có văn hóa xuất khẩu, biết cách bán hàng ra nước ngoài. Vì tất cả những lợi thế đó mà Việt Nam đã giúp chúng tôi đạt được mục tiêu là đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Và Việt Nam có thể được hưởng lợi từ điều đó.

Chúng tôi không thể ra lệnh cho các công ty phải đi đâu cả. Nhưng chúng tôi cũng có thể nói chuyện với họ về lợi ích ở Việt Nam và cho họ thấy có các lựa chọn. Đó là lý do tại sao thông điệp của chúng tôi gửi đến các đồng nghiệp ở Việt Nam là hãy nắm bắt thời cơ, hiểu được sự cấp bách cạnh tranh ngoài kia và chúng tôi tin rằng Việt Nam và người dân Việt Nam có thể được hưởng lợi từ việc chiến thắng cuộc cạnh tranh này.

Related Posts

Kinh Bắc News

Kinh Bắc Web Blog’s chuyên cập nhật chia sẻ thông tin kiến thức kinh nghiệm thiết kế và nhiều nội dung hấp dẫn. Theo dõi chúng tôi để cập nhật thêm nhiều kiến thức thông tin thú vị nhé. Website: kinhbacweb.com | tinhocbacninh.biz.vn | tinhdautamngoc.com

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *