Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Công ty cổ phần Bagico – doanh nghiệp chuyên xuất khẩu nông sản – gây chú ý với truyền thông khi ví nông sản Việt như “cô gái quê danh giá” nhưng thụ động, chỉ biết ngồi một chỗ chờ người ta đến hỏi mua. Kết thúc Diễn đàn, tôi đã tìm gặp nữ doanh nhân này để nghe bà kể chuyện hơn 20 năm làm “bà mối” đi tìm thị trường xuất khẩu nông sản cho nông dân. Bốn năm sau, bàn về câu chuyện cũ vẫn nóng này, Chủ tịch Bagico chia sẻ thêm cách làm mới.
Chuyển đổi số nông nghiệp: Chuyến tàu không thể lỡ
Được biết, bà là người khởi xướng và xây dựng thành công mô hình hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp số đầu tiên tại tỉnh Bình Phước, đến nay, nhiều địa phương khác đang nghiên cứu làm theo. Bà có thể chia sẻ về ý tưởng này?
Chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số và công dân số là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, cũng là sứ mệnh của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Thế giới đang chuyển đổi số rất mạnh mẽ và đây là “chuyến tàu” mà chúng ta không thể bỏ lỡ.
Hưởng ứng chủ trương đó, tôi đã viết nội dung phần mềm Auto Agri áp dụng trong hoạt động quản lý vùng trồng, thu mua nông sản của Công ty Bagico. Auto Agri là nền tảng mở, có thể tích hợp, chia sẻ tất cả dữ liệu với các nền tảng khác; có thể chia sẻ đa phương tiện, từ ghi chép, hình ảnh, video, voice thoại…
Với phần mềm này, người nông dân không biết chữ cũng cập nhật được nhật ký điện tử như ngày gieo hạt, ngày bón phân… Người quản lý vùng trồng dù ở xa vẫn theo dõi được nhật ký điện tử đó một cách minh bạch.
Có rất nhiều cơ hội trong ngành nông nghiệp, tôi muốn thúc đẩy các bạn trẻ đang làm nông nghiệp hiểu về hợp tác xã, về chuyển đổi số trong nông nghiệp và nâng đỡ họ để làm lớp người kế cận.
Tại sao bà chọn hợp tác xã, mô hình nghe có vẻ cũ kỹ, để áp dụng chuyển đổi số?
Tôi nghiên cứu Luật Hợp tác xã rất kỹ, đó là một căn cứ pháp lý có tính đặc thù đối với nông nghiệp. Trong quy định của Luật Hợp tác xã, quyền của các cổ đông (thành viên hợp tác xã), của pháp nhân hợp tác xã không khác gì quyền cổ đông tại công ty cổ phần. Nó là mô hình đem đến sự công bằng cho tất cả, nhưng chúng ta đang nhìn nó xưa cũ, lạc hậu, tôi nghĩ đó là vấn đề của truyền thông.
Đặc biệt, ngày nay, mô hình hợp tác xã đa phần là hợp tác xã kiểu mới: chỉ cần có người ở địa phương, các thành viên còn lại có thể ở địa phương khác. Hợp tác xã kiểu mới rất cần được truyền thông nhiều hơn.
Tại sao tôi khuyến khích mô hình hợp tác xã trong nông nghiệp?
Bởi vì theo Luật Hợp tác xã, đây là một mô hình tương tự công ty cổ phần nhưng là mô hình đối nhân không đối vốn. Có một điều khoản quy định về hình thành tài sản không chia, đối với các nguồn lực Nhà nước, các tổ chức khác hỗ trợ cho hợp tác xã, các thành viên hợp tác xã được phép sử dụng nhưng nếu hợp tác xã phá sản, đóng cửa, không hoạt động được thì tài sản đó do chính quyền quản lý và giao cho người khác để làm việc công ích, từ đó người dân địa phương được hưởng lợi. Nó khác với việc hỗ trợ cho doanh nghiệp thì hình thành tài sản doanh nghiệp và tài sản đó có thể bị di chuyển đi nơi khác khi doanh nghiệp bán cổ phần.
Mô hình hợp tác xã dịch vụ số ở Bình Phước đã nhân rộng đến đâu?
Hiện nay, tôi đang xây dựng mô hình này ở phạm vi cấp tỉnh. Sau thành công của Bình Phước, đến nay, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, Tây Ninh đã họp trù bị để chuẩn bị áp dụng cho tỉnh mình. Ngoài ra, Thái Bình, Nam Định, Tiền Giang, Bến Tre cũng đang nghiên cứu.
Trong tương lai, tôi muốn mô hình đó sẽ được nhân rộng từ cấp tỉnh xuống đến cấp huyện và kỳ vọng hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp số sẽ trở thành cánh tay nối dài của chính quyền địa phương để tham gia vào số hóa, chuyển đổi số nông nghiệp.
Bà vẫn tự nhận mình chỉ là một thương lái, nhưng những việc bà làm dường như lại mang dáng dấp của người làm chính sách trong nông nghiệp?
Nói tôi làm chính sách trong nông nghiệp thì nghe có vẻ to tát quá. Tôi chỉ nghĩ, mình cần am hiểu chủ trương, chính sách để làm kinh tế tốt hơn. Ngoài ra, việc nghiên cứu chính sách, làm tốt công việc của mình để đóng góp cho chính sách thì tôi nghĩ đó là cách thể hiện trách nhiệm với cộng đồng.
Trong kinh doanh nếu không đầu tư cho nghiên cứu thì sẽ luôn đi sau và lạc hậu. Bởi vậy, tôi luôn dành 20 – 40% lợi nhuận cho nghiên cứu. Nghiên cứu giúp tôi đưa ra phương án kinh doanh hiệu quả hơn, ít rủi ro hơn. Đầu tiên là nghiên cứu phục vụ cho mình, mình sẽ làm những cái đi trước và khác biệt. Đối với tầm quốc gia, nếu mình cũng có tư duy như vậy thì sẽ đóng góp cho chính sách, đóng góp cho các nhà quản lý.
Khát khao nâng tầm nông sản Việt
Được biết, bà từng có 25 năm kinh nghiệm đưa nông sản sang Trung Quốc, thị trường xuất khẩu hơn 70% nông sản của Việt Nam. Theo bà, chúng ta cần làm gì để nâng cao tính cạnh tranh cho nông sản Việt, hạn chế việc bị ép giá, giải cứu nông sản…?
Theo tôi, muốn xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam thì phải làm theo tín hiệu thị trường (xem các nước nhập khẩu cần gì) và tìm xem mình có gì khác biệt để tìm cách đẩy mạnh nó lên.
Ví dụ, bây giờ Trung Quốc yêu cầu mã vùng trồng, chúng ta cần nhìn ra vấn đề là các nước phát triển ở châu Âu… có cánh đồng lớn, công nghiệp hóa, nhưng mùa đông có tuyết phủ, không thể trồng xen canh nên phải trồng chuyên canh, khoảng 6 – 10 ha chỉ trồng được một loại cây.
Trong khi đó, Việt Nam mình khí hậu nhiệt đới bốn mùa, khu vực miền Nam có thể cung cấp sản lượng cây trồng lớn, vùng Tây Nguyên lại có lợi thế trồng đa tầng canh tác. Ví dụ trên 1 ha đất trồng ở Tây Nguyên có thể vừa trồng được cà phê ở tầng dưới kết hợp trồng đan xen cả bơ hay sầu riêng ở tầng cao. Bây giờ áp mã vùng trồng đông đảo, nếu trồng thuần cây thì chúng ta không có đủ lợi thế, cần dựa vào lợi thế nói trên để xây dựng được đa tầng canh tác bền vững.
Đó là ở phạm vi doanh nghiệp, còn đối với cơ quan quản lý, theo bà cần đẩy mạnh điều gì?
Thứ nhất, luật của chúng ta rất nhiều và đầy đủ, từ Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi, Luật An toàn vệ sinh thực phẩm, Luật Bảo vệ môi trường… nhưng thực thi luật rất yếu. Dường như tư duy của mọi người đều nghĩ nông nghiệp là yếu thế, nông dân là bần cùng cho nên luôn nương tay, cái gì liên quan đến nông dân thì không cần quản chặt. Đó là sai lầm lớn nhất của kinh tế thị trường.
Ví dụ bây giờ mình đang mã hóa vùng trồng, một mã vùng áp dụng trên 10 ha đất trồng, cho ra khoảng 300 tấn sản lượng chẳng hạn. Người ta áp tiêu chuẩn như thế thì cơ sở dữ liệu đó rất chắc rồi, nhưng mình cứ mã vùng đó xuất sang lại “đội lốt” rất nhiều hàng, nghĩa là xuất ảo trên một mã vùng trồng. Tôi cho rằng để cạnh tranh, đầu tiên mình phải làm thật, làm đúng đã.
Thứ hai, mình chưa có chiến lược bài bản để đưa doanh nghiệp Việt có chỗ đứng ở thị trường nước ngoài. Nếu ở các quốc gia xuất khẩu mình có cơ quan đại diện về mặt thương mại để bảo vệ về an ninh, về chính sách, thủ tục xuất nhập khẩu… thì sẽ là điểm tựa rất lớn cho doanh nghiệp. Mình ở nhà bán sản phẩm sang nước khác nhưng không có cơ quan nào bảo vệ mình ở đó thì làm sao mà phát triển được?
Ngân hàng cũng thế, cả một thị trường rộng lớn như Trung Quốc nhưng không có một đại diện ngân hàng nào ở đó. Tiền là máu, máu của mình đang chảy trên cơ thể của người khác, tiền mình đang chảy vào ngân hàng khác. Trong khi đó, các nước khác đều có đại diện ngân hàng ở Trung Quốc.
Vấn đề thứ ba là ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, chúng ta đưa ra hẳn một chương trình chuyển đổi số quốc gia nhưng tại nhiều nơi hiện nay vẫn rối tinh rối mù, không biết chuyển đổi số kiểu gì.
Theo tôi, cần xây dựng chiến lược đối với nông sản của Việt Nam ở tầm quốc gia. Vấn đề đó 1- 2 doanh nghiệp không làm nổi mà phải có sự hậu thuẫn của cơ quan quản lý và sự chung tay của cả cộng đồng doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Thành Thực sinh năm 1967 tại xã Bích Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Tốt nghiệp Trường Nghiệp vụ Ngân hàng Bắc Ninh năm 1987, bà lên nhận công tác tại huyện Sơn Động, địa bàn khó khăn nhất của tỉnh Bắc Giang.
Năm 1992, bà Thực nghỉ việc tại ngân hàng để chuyển hướng sang kinh doanh.
Năm 2005, bà tiếp quản Công ty Bia Rượu Nước giải khát Bắc Giang lúc đó đang tiến hành cổ phần hóa trong bối cảnh hết sức khó khăn, sản xuất đình trệ, nguy cơ phá sản và xây dựng thành Công ty cổ phần Bagico, chuyên buôn bán nông sản.
Bà Thực đã từng giúp nông dân bán 400 tấn cam và 200 tấn vải thiều trong một ngày. Để giúp nông sản Việt ngày càng có chỗ đứng tại các thị trường xuất khẩu, bà Thực đã dành nhiều thời gian nghiên cứu thị trường và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng nông sản từ chọn giống, đặt hàng nông dân, quản lý vùng trồng cho đến thu mua, lưu thông và xuất khẩu.
Hiện nay bà là tác giả phần mềm AutoAgri và là Chủ tịch Công ty cổ phần công nghệ phần mềm AutoAgri – Doanh nghiệp khoa học công nghệ được Bộ KHCN chứng nhận.