Xanh SM dùng chiến thuật cũ cho thị trường mới Indonesia
Thời điểm đó, GSM đã bắt đầu tuyển dụng nhân sự chủ chốt để thiết lập thị trường nước ngoài cũng như triển khai mô hình kinh doanh phù hợp tại nước bản địa.
Tuần trước, GSM lại điền thêm tên một thị trường muốn hướng tới vào danh sách của mình, đó là Indonesia.
Chủ sở hữu GSM ông Phạm Nhật Vượng và Tổng thống Indonesia Joko Widodo. (Ảnh: Vingroup cung cấp).
Trong cuộc gặp gỡ Tổng thống Indonesia Joko Widodo tại Hà Nội, VinFast và GSM đã thông tin về việc ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác với GoTo (đơn vị sở hữu Gojek).
Việc hợp tác hướng tới hỗ trợ các tài xế của Gojek chuyển đổi sang sử dụng xe điện, đồng thời mang dịch vụ taxi của Xanh SM đến với người tiêu dùng Indonesia.
Ngoài hợp tác chung, GSM cũng công bố kế hoạch đầu tư tới 900 triệu USD vào Indonesia trong thời gian tới. Động thái này tương tự chiến lược GSM đã thực hiện tại thị trường Việt Nam.
Là nền tảng “sinh sau đẻ muộn” tham gia vào cuộc chơi gọi xe công nghệ, từ đầu GSM đã tìm cách bắt tay với các “ông lớn” trong ngành.
Sau một tháng thành lập, GSM đã nhanh chóng đầu tư vào Be Group (đơn vị vận hành Be). Trong đó, Be sẽ chia sẻ nền tảng gọi xe cho GSM. Khách hàng sử dụng ứng dụng Be có thêm lựa chọn đặt taxi điện Xanh SM được tích hợp sẵn.
Bên cạnh việc sử dụng nền tảng của Be, thông qua các đối tác tài chính, GSM cam kết hỗ trợ tài xế của Be chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện VinFast. Ngoài ra, hãng gọi xe của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng có khoản đầu tư trực tiếp vào Be, số tiền không được tiết lộ.
Theo số liệu doanh nghiệp tự công bố, Be đang là nền tảng gọi xe có thị phần lớn thứ hai tại Việt Nam, với 20 triệu lượt tải xuống.
Trở lại với chiến lược tương tự của GSM tại Indonesia, Gojek hiện cũng đang là một trong hai đơn vị kinh doanh dịch vụ gọi xe có thị phần lớn nhất ở quốc gia vạn đảo.
Theo báo cáo của Statista công bố tháng 6/2023, tính đến tháng 1 năm ngoái, Gojek đang đứng đầu Indonesia với 50% thị phần. Năm 2022, đối thủ Grab từng giữ vị trí quán quân với 54% thị phần.
Năm 2022, ứng dụng Gojek có gần 19 triệu lượt tải xuống trong khi con số này ở Grab là gần 14 triệu lượt. Trong đó, người dùng thường sử dụng Gojek để gọi xe taxi, cao hơn hẳn Grab.
Theo Statista, tính tới tháng 1/2023, 40% người dùng đặt ô tô qua Grab, trong khi với Gojek tỷ lệ này 44%. Đối với xe hai bánh, có 34% người dùng GrabBike và ở Gojek là 40% với dịch vụ GoRide.
Số liệu trên phần nào giải thích lý do GSM chọn Gojek là đối tác để triển khai dịch vụ taxi điện Xanh SM của mình.
Mordor Intelligence cho biết quy mô thị trường gọi xe Indonesia đạt 2,67 tỷ USD và dự kiến sẽ vượt mức 4,66 tỷ USD trong giai đoạn 2024 – 2029, với mức tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 8,75%.
Trong khi đó, theo Statista, thị trường taxi Indonesia nói riêng có CAGR trong giai đoạn 2024 – 2028 là 3,19%. Quy mô doanh thu ước đạt 5,93 tỷ USD vào năm 2028 với hơn 40 triệu người dùng.
Tỷ lệ thâm nhập của người dùng trên thị trường taxi Indonesia dự báo đạt 14,8% vào năm 2024 và 14% vào năm 2028.
Thâm nhập thị trường (tiếng Anh: Market penetration) là thước đo mức độ sản phẩm hoặc dịch vụ đang được khách hàng sử dụng so với tổng thị trường ước tính cho sản phẩm hoặc dịch vụ đó.
Dẫn đầu thị phần gọi xe công nghệ tại Indonesia song Gojek vẫn chưa có lãi. Năm 2021, nền tảng gọi xe này đã sáp nhập với Tokopedia – sàn thương mại điện tử nội địa lớn nhất Indonesia để thành lập tập đoàn GoTo.
Cuối năm ngoái, ban lãnh đạo GoTo cho biết tập đoàn chưa cần IPO vội vì lượng tiền mặt vẫn dồi dào với tính thanh khoản cao. Trong thời gian tới, nhiệm vụ của GoTo là phải khiến công ty có lãi, trước sự mất kiên nhẫn từ các nhà đầu tư.
“Chúng tôi tiếp tục hướng tới mục tiêu có lãi với việc đưa mảng gọi xe đạt EBITDA (lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao) điều chỉnh dương”, Giám đốc tài chính GoTo Jacky Lo nói với tờ The Strait Times.
Để dồn sức cho mảng gọi xe, mới đây GoTo đã “giao” nền tảng thương mại điện tử Tokopedia cho Bytedance trong một liên minh PE Tokopedia, nơi mà công ty mẹ TikTok kiểm soát hơn 75% cổ phần. TikTok đầu tư 1,5 tỷ USD vào liên minh này.
Có thể thấy với nhiệm vụ cấp thiết là có lãi, Gojek cần dòng tiền đầu tư từ GSM cũng như VinFast. Đổi lại, chủ quản Xanh SM có cơ hội tiếp cận nhanh thị trường rộng lớn với tệp khách hàng khủng mà Gojek đã mất nhiều năm xây dựng.
Tại Việt Nam, sau màn kết hợp với Be, Xanh SM đã tiến rất xa khi hiện diện tại 25 tỉnh thành phố trên cả nước sau 8 tháng hoạt động.
Chưa rõ trong số các thị trường này, bao nhiêu được trợ lực từ sự hợp tác với Be nhưng rõ ràng việc đứng trên vai người khổng lồ đã giúp Xanh SM có được những lợi thế nhất định của kẻ đến sau. Chẳng hạn như lượt dùng app, bán chéo sản phẩm dịch vụ, lượng người dùng sẵn có,…
Ngoài đối tác Gojek, kế hoạch triển khai dịch vụ taxi Xanh SM tại Indonesia của GSM cũng sẽ được hỗ trợ bởi hãng xe điện VinFast, cùng thuộc sở hữu của ông Vượng.
Trong dài hạn, VinFast có kế hoạch đầu tư khoảng 1,2 tỷ USD vào Indonesia. Trong đó, khoảng 200 triệu USD dành cho việc xây dựng nhà máy và dự kiến vận hành từ năm 2026 với công suất 30.000 – 60.000 xe/năm.
Ngày 28/12/2023, GSM tiến hành tăng vốn điều lệ từ hơn 5.947 tỷ đồng lên 6.199 tỷ đồng. Đây là lần thứ ba doanh nghiệp này tăng vốn điều lệ kể từ khi thành lập hồi tháng 3/2023.
Trước đó tháng 5/2023, GSM tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 5.650 tỷ đồng và tiếp tục tăng lên 5.947 tỷ đồng vào tháng 9 cùng năm. Sau tăng vốn, cơ cấu cổ đông của GSM không thay đổi, trong đó ông Phạm Nhật Vượng nắm 95% vốn.