Khối BRICS phát triển mạnh khi Nga là Chủ tịch luân phiên

Những gì nước Nga đang thể hiện cùng với thông điệp của Tổng thống Putin hé lộ phần nào đường hướng mà Moscow sẽ chèo lái “con thuyền BRICS” trong thời gian tới.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Nguồn: Reuters)

Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Nguồn: Reuters)

Nước Nga bắt đầu đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) từ ngày 1/1/2024. Cùng ngày, nhóm này có thêm năm thành viên mới là Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Tăng thêm sức mạnh

Với sự mở rộng từ 5 lên 10 thành viên, bao gồm những nền kinh tế mạnh, có tiếng nói của khu vực Trung Đông – châu Phi, BRICS cho thấy vai trò và vị thế của nhóm các nền kinh tế đại diện cho gần 50% dân số và 36% GDP toàn cầu có thêm sức nặng như thế nào trong bàn cờ địa chính trị thế giới.

Tổng thống Putin khẳng định, “đây là dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy quyền lực ngày càng tăng của BRICS và vai trò của tổ chức này trong các vấn đề quốc tế”. Với chủ đề “Tăng cường chủ nghĩa đa phương vì an ninh và phát triển toàn cầu công bằng”, Chủ tịch BRICS 2024 gửi đi thông điệp rõ ràng rằng nhóm này đang nỗ lực định hình một hệ thống thế giới mới, ủng hộ chủ nghĩa đa phương và lấy hợp tác cùng thắng làm nền tảng.

Người đứng đầu Điện Kremlin nhấn mạnh, Nga sẽ tiếp tục thúc đẩy tất cả các khía cạnh của quan hệ đối tác BRICS, bao gồm: chính trị – an ninh, kinh tế – tài chính, giao lưu văn hóa và hỗ trợ nhân đạo, đồng thời ưu tiên hợp tác về khoa học, công nghệ cao, y tế, bảo vệ môi trường, văn hóa, thể thao, giao lưu thanh niên… Tổng thống Putin không quên khẳng định rằng nước Nga và BRICS sẽ đưa ra “những phản ứng hiệu quả trước những thách thức và mối đe dọa đối với an ninh và sự ổn định của quốc tế và khu vực”.

Vạch ra những lộ trình và các mục tiêu như thế, chắc hẳn BRICS và nước Chủ tịch muốn nhấn mạnh khối này đang thu hút ngày càng nhiều sự ủng hộ và hưởng ứng của các thành viên cũng như nhiều nước đang muốn gia nhập bởi “khát vọng” hướng tới một trật tự quốc tế đa cực và hệ thống tài chính, thương mại công bằng, theo đuổi các giải pháp tập thể nhằm giải quyết các thách thức lớn của thời đại.

Lợi thế cho Moscow

Những tuyên bố của Moscow không phải là thông điệp một chiều, mà có sự cộng hưởng từ các thành viên BRICS, cả cũ và mới. Sự tiếp đón nồng nhiệt của các nhà lãnh đạo Saudi Arabia và UAE dành cho Tổng thống Putin trong chuyến thăm đầu tháng 12/2023 bất chấp những lời kêu gọi chống Nga là một dấu hiệu cho thấy thiện chí của các thành viên sắp gia nhập BRICS đối với Moscow.

Việc Nga đảm nhiệm vai trò người cầm lái “con thuyền BRICS” trong khi còn “trên 30 nước đang muốn gia nhập” mang lại cho Moscow một số lợi thế nhất định. Trước hết, điều này sẽ chứng minh với công chúng trong nước đang có những dấu hiệu mệt mỏi rằng nước Nga hoàn toàn không bị cô lập như những gì phương Tây tuyên bố. Quan trọng hơn, Nga có thể đối phó các lệnh trừng phạt của phương Tây hiệu quả hơn để mở rộng thị trường bán nguyên liệu với mức giá hấp dẫn.

Lợi thế này của Moscow đã được minh chứng bởi ngay cả các đối tác của phương Tây trong BRICS cũng hiếm khi tuân thủ các lệnh trừng phạt chống lại Nga. Một số thậm chí còn coi các biện pháp trừng phạt là một dấu hiệu cảnh báo. Các biện pháp trừng phạt chẳng hạn như đóng băng dự trữ ngoại hối và loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, đã thúc đẩy nỗ lực của BRICS tìm kiếm các giải pháp thay thế cho hệ thống tài chính do Mỹ thống trị. Mới đây, Iran đã úp mở về việc nước Nga “với nhiều kinh nghiệm quốc tế, có thể thành lập Ban thư ký BRICS để hoàn thiện hơn mô hình của nhóm”.

Hai mặt của đồng tiền

Đồng tiền luôn có hai mặt. Việc mở rộng với các thành viên có nền chính trị rất khác nhau có thể sẽ là một hạn chế của BRICS. Sự khác biệt này có thể dễ dàng được giải tỏa bởi mục đích bao trùm của mở rộng BRICS là để củng cố vị thế với tư cách là tiếng nói của Nam toàn cầu nhằm mang lại nhiều sức ảnh hưởng hơn trong nền chính trị quốc tế.

Theo các nhà quan sát, tại Thượng đỉnh BRICS vào tháng 10 tới ở Kazan, số thành viên có thể sẽ tăng lên gấp đôi. Tuy nhiên, những thành viên mới cũng mang theo những tranh chấp vào BRICS. Ví dụ như Ai Cập và Ethiopia đang tranh giành nguồn nước từ sông Nile còn Saudi Arabia và Iran đang muốn gia tăng ảnh hưởng ở Vịnh Ba Tư trong nhiều thập kỷ…

Tuy nhiên, theo ông Johannes Plagemann, nhà khoa học chính trị tại Viện Nghiên cứu toàn cầu và khu vực (GIGA) ở Hamburg, Đức mặc dù các quốc gia BRICS có lợi ích khác nhau, nhưng họ có sự đồng thuận cơ bản, đó là “muốn một trật tự thế giới ít bị phương Tây thống trị hơn” và là một cách để tránh đứng hẳn về bên nào trong cuộc cạnh tranh ngày càng tăng giữa Trung Quốc, Nga và phương Tây.

Với những yếu tố “thiên thời, địa lợi” như thế, Nga đứng trước cơ hội thuận lợi để có thể phất cao ngọn cờ BRICS, tranh thủ tập hợp lực lượng để không những gia tăng mạnh mẽ hơn vai trò, vị thế ra bên ngoài, mà còn chứng minh với người dân trong nước thấy rằng nước Nga đã không bị cô lập và vẫn duy trì sức mạnh vốn có như thế nào.

Related Posts

Kinh Bắc News

Kinh Bắc Web Blog’s chuyên cập nhật chia sẻ thông tin kiến thức kinh nghiệm thiết kế và nhiều nội dung hấp dẫn. Theo dõi chúng tôi để cập nhật thêm nhiều kiến thức thông tin thú vị nhé. Website: kinhbacweb.com | tinhocbacninh.biz.vn | tinhdautamngoc.com

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *