Trung Quốc lên tiếng về thông tin giúp xây đường hầm từ Nga tới Crimea. Truyền thông Mỹ đưa tin Trung Quốc có kế hoạch hỗ trợ Nga xây dựng đường hầm xuyên biển tới Crimea.
Cây cầu bắc qua eo biển Kerch nối từ đất liền Nga tới Crimea. Ảnh: Reuter
Theo hãng thông tấn Ukrinform (Ukraine) ngày 27/11, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bác bỏ thông tin của tờ Washington Post (Mỹ) về kế hoạch được cho là của Nga và Trung Quốc nhằm xây dựng một đường hầm dưới biển tới Crimea, cho rằng đó là “vô căn cứ”.
Trả lời câu hỏi của hãng thông tấn Ukrinform tại cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin nêu rõ: “Thông tin này không có căn cứ; tôi sẽ không bình luận về điề đó”.
Trước đó ngày 24/11, tờ Washington Post đưa tin rằng các doanh nhân Nga và Trung Quốc có quan hệ với chính phủ đã bí mật thảo luận về kế hoạch vào tháng 10 để xây dựng một đường hầm dưới biển nối Nga với Crimea và thành lập một “tập đoàn” cho mục đích này.
Tờ báo trên cho biết họ đã xác minh tính xác thực của thông tin, đề cập đến các tài liệu đăng ký công ty cho thấy một tập đoàn Nga – Trung gần đây đã được thành lập ở Crimea.
“Các cuộc đàm phán, với những cuộc họp hồi cuối tháng 10, được khởi động bởi những lo ngại ngày càng tăng của Nga về an ninh của cây cầu Crimea bắc qua eo biển Kerch”, tờ báo của Mỹ cho biết.
Tờ Washington Post cũng cho rằng trước những rủi ro bị trừng phạt, các quan chức và chuyên gia Mỹ bày tỏ sự ngạc nhiên rằng những công ty Trung Quốc sẽ mạo hiểm tham gia dự án.
Các chuyên gia về các dự án vận tải quốc tế lớn nhận định việc xây dựng một đường hầm dưới eo biển Kerch là khả thi về mặt kỹ thuật trong khi Trung Quốc có kinh nghiệm và công nghệ cần thiết. Họ lưu ý đây sẽ là một công trình lớn, có quy mô tương đương với đường hầm Đan Mạch – Đức, đã được xây dựng trong 8 năm, ước tính tiêu tốn hơn 8,7 tỷ USD.
Nhưng các chuyên gia nghi ngờ việc đường hầm Kerch sẽ được hoàn thành kịp thời để hỗ trợ Nga trong cuộc xung đột với Ukraine. Mặc dù vậy, Moskva có thể coi đây là một khoản đầu tư dài hạn để đảm bảo liên lạc an toàn với Crimea, vốn có thể bị tranh chấp trong nhiều thập kỷ.