Từng là vùng trồng ngô lớn nhất cả nước, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, Sơn La đã nhanh chóng bứt phá, trở thành vựa cây ăn quả lớn nhất của cả nước với tổng diện tích cây ăn quả toàn tỉnh đạt khoảng 100.000 ha (sơn tra: 27.800 ha, cây ăn quả khác: 72.200 ha), trong đó: Diện tích xoài khoảng gần 18.000 ha, sản lượng 192.000 tấn; nhãn gần 20.000 ha, sản lượng ước 215.700 tấn; mận, mơ khoảng 10.400 ha, sản lượng 100.094 tấn; chuối 6.000 ha, sản lượng 72.000 tấn; cây có múi (cam, quýt, chanh, bưởi) khoảng 9.000 ha, sản lượng 135.000 tấn…
Đến nay, tỉnh Sơn La có hơn 9.780ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn VietGAP, GlobalGAP. Cùng với đó, 18 sản phẩm mang địa danh của tỉnh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ và đã có thương hiệu như: Cà phê Sơn La, cam Phù Yên, nhãn Sông Mã, xoài tròn Yên Châu, chè Shan tuyết Mộc Châu, rau an toàn Mộc Châu, chè Ô Long Mộc Châu, chè Tà Xùa và mật ong Sơn La… Tỉnh cũng đang triển khai thực hiện thí điểm sản xuất 11 sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tại các huyện, thành phố và được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình hưởng ứng…
Tổng giá trị nông sản xuất khẩu của tỉnh năm 2019 đạt 140,16 triệu USD, chiếm 93,29% giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu nông sản ngày càng được mở rộng như: Trung Quốc, Campuchia, Anh, Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Cùng với hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu, Sơn La đang thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp đầu tư sâu vào chế biến các sản phẩm trái cây trên địa bàn tỉnh.
Tính đến đầu năm 2020, toàn tỉnh Sơn La hiện có 47 cơ sở, nhà máy sản xuất chế biến nông sản, với sản lượng trên 150.000 tấn sản phẩm/năm; trong đó, 80% lượng sản phẩm tham gia xuất khẩu.
Tiêu biểu là Nhà máy chế biến hoa quả và dược liệu của Tập đoàn TH đặt tại bản Co Chàm, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, được khánh thành ngày 20/9/2020, có công suất chế biến 300 tấn rau, củ, quả/ngày. Giai đoạn 1 của nhà máy được đầu tư 1.200 tỷ đồng với dây chuyền công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới, bảo đảm tiêu thụ nông sản cho 15.000 ha. Đây cũng là nhà máy đầu tiên ở Việt Nam sử dụng công nghệ trích ly hoàn toàn tự động và công nghệ áp suất cao HPP hiện đại nhất thế giới hiện nay để chế biến nước cam, nhãn cô đặc; mở ra vận hội mới cho bà con nông dân tỉnh Sơn La trong tiêu thụ sản phẩm, gia tăng giá trị cho nông sản và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Trước đó, năm 2019, Nhà máy chế biến chanh leo, rau, củ, quả xuất khẩu của Nafood Tây Bắc tại Khu công nghiệp Bó Bun, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu có trị giá đầu tư 200 tỷ đồng, công suất 120 tấn rau, củ, quả/ngày cũng đi vào hoạt động. Ngoài ra, còn có một số hợp tác xã đầu tư dây chuyền chế biến hoa quả cho sản phẩm chất lượng cao như: Mận sấy dẻo của HTX 19/5 (Mộc Châu); hồng giòn, ổi sấy của HTX nông nghiệp Quyết Thanh; thanh long sấy của HTX Ngọc Hoàng,…
Ngày 29/9/2020 tới đây, Trung tâm chế biến rau quả khép kín hiện đại nhất hiện nay thuộc Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đã được khởi công xây dựng tại huyện Mai Sơn của tỉnh Sơn La. Được biết, Trung tâm có diện tích gần 09 ha, gồm 03 nhà máy: Nhà máy chế biến nước quả cô đặc và Puree, công suất 20.000 tấn sản phẩm/năm, công nghệ Italia; Nhà máy chế biến rau quả đông lạnh, công suất 10.000 tấn/năm, công nghệ Nhật Bản; Nhà máy chế biến rau quả đồ hộp, công suất 20.000 tấn/năm, công nghệ Đức và Italia.
Dự kiến, tháng 12/2021 Trung tâm đi vào hoạt động, mỗi năm tiêu thụ hàng trăm ngàn tấn nông sản (chanh leo,xoài, dứa, bơ, chuối, ngô ngọt, rau chân vịt, đậu tương rau…) cho bà con; doanh thu ước khoảng 2.000 tỷ đồng/năm, kim ngạch xuất khẩu 90 triệu USD/năm, nộp ngân sách địa phương 100 tỷ đồng/năm.
Ngoài ra, Sơn La cũng đang kêu gọi, thu hút đầu tư của nhiều doanh nghiệp như Công ty cổ phần Lavifood, Công ty cổ phần Tập đoàn T&T; Công ty GreenPath; Công ty TNHH Tâm Hữu Dũng… đầu tư phát triển các vùng trồng cây ăn quả gắn với xây dựng nhà máy bảo quản, chế biến quả ứng dụng công nghệ cao…