Nga được cho là đã sử dụng máy bay không người lái (UAV) cảm tử Izdeliye-53 (Z-53), biến thể mới của UAV Lancet, trong “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine – nhằm xem xét khả năng triển khai trên diện rộng của UAV này.
Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ trích dẫn một số nguồn Nga, xác nhận việc sử dụng UAV Z-53 đã bắt đầu từ ngày 21-10.
Z-53 chưa được triển khai rộng rãi nhưng ISW tin rằng Nga đang thử nghiệm UAV này cho các cuộc tấn công đồng bộ trên quy mô lớn. Điều này gợi ý một sự thay đổi chiến lược về chiến thuật quân sự, trang tin Defense Express (Ukraine) nêu.
Nga tố Ukraine lao drone trúng nhà máy điện hạt nhânĐỌC NGAY
UAV Z-53 được tích hợp hệ thống dẫn đường tự động, giúp nó có khả năng nhận biết nhiều loại mục tiêu khác nhau. Thiết kế của UAV này giúp nâng cao độ chính xác và tỉ lệ thành công khi tấn công các mục tiêu đã được chỉ định.
Tuy nhiên, trọng tải của UAV Z-53 là khoảng 3 – 5kg, có thể không đủ gây thiệt hại đáng kể cho hầu hết các mục tiêu quân sự quan trọng.
UAV cảm tử thế hệ mới
Các quan chức Mỹ và Ukraine đã thừa nhận UAV Lancet với thiết kế cánh X kép đã được chứng minh là công cụ hữu hiệu của Nga trong xung đột với Ukraine.
Được thiết kế bởi tập đoàn phát triển UAV Zala Aero có trụ sở tại Izhevsk (Nga), UAV Lancet có tầm bay từ 40-70km trong một tiếng đồng hồ, trọng tải vũ khí từ 3-5kg.
Đã có nhiều phiên bản của UAV Lancet trước đây và Z-53 là phiên bản được trình làng tại Diễn đàn Kỹ thuật quân sự quốc tế, tổ chức hồi tháng 8-2023 ở thị trấn Kubinka (Nga), theo Hãng tin Sputnik (Nga).
Z-53 có thiết kế 4 cánh lớn được gắn theo góc 45 độ (thay vì gắn hình chữ X như các phiên bản trước) và sẽ mở ra khi phóng, nó cũng không có cánh nhỏ ổn định ở phía sau. UAV này có một camera hướng xuống dưới để lập bản đồ môi trường xung quanh và tìm kiếm mục tiêu.
Nếu như các UAV Lancet trước đây được phóng từ một đường ray nén khí đặc biệt thì Z-53 lại được phóng từ các ống nhỏ đặt trên mặt đất – có cấu hình tương tự như súng cối, đủ nhẹ để vận chuyển dễ dàng.
UAV này được thiết kế để bay theo nhóm, có thể liên lạc và phối hợp với nhau để tìm kiếm và chỉ định các mục tiêu trên mặt đất, bao gồm các cơ sở pháo phòng không, tên lửa và thiết giáp của đối phương.
Bất khả chiến bại?
Ông Alexander Zakharov, người thiết kế chính của UAV Z-53, khẳng định việc đối phó với nó “gần như bất khả thi” vì Z-53 không thể bị áp chế điện tử.
UAV này cũng có khả năng tự chọn mục tiêu tấn công dựa trên phân loại ưu tiên. Vai trò của người điều khiển sẽ là đưa ra các lệnh liên quan đến khu vực hoạt động và các mục tiêu bị nhắm tới.
Ngay cả khi đối phương thu giữ Z-53 và cố gắng “mổ xẻ” chúng để nghiên cứu, họ cũng không thể biết được bí mật của nó do “một số cấp độ bảo vệ và quyền bảo mật”.