Trái phiếu là gì?
Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận nghĩa vụ nợ của doanh nghiệp hoặc chính phủ với người nắm giữ.
Chứng khoán là khái niệm được dùng khi đề cập đến các sản phẩm tài chính xác nhận sở hữu hợp pháp đối với tài sản hoặc phần vốn của công ty hay tổ chức đã phát hành. Khái niệm chứng khoán bao gồm cổ phiếu, trái phiếu và chứng chỉ quỹ, chứng quyền…
Trong số các loại chứng khoán, trái phiếu là loại xác nhận nghĩa vụ nợ của đơn vị phát hành (doanh nghiệp hoặc chính phủ) với người nắm giữ trái phiếu (người cho vay) với một khoản tiền trong một thời gian xác định.
Đơn vị phát hành trái phiếu phải trả lợi tức cho người sở hữu trái phiếu và hoàn trả khoản tiền vay khi trái phiếu đáo hạn.
Thu nhập của trái phiếu được gọi là lợi tức – là khoản tiền lãi được trả cố định thường kỳ cho người nắm giữ và không phụ thuộc vào tình hình kinh doanh của đơn vị phát hành.
Trái phiếu là chứng khoán nợ, vì vậy khi công ty bị giải thể hoặc phá sản, người nắm giữ trái phiếu được ưu tiên thanh toán trước cổ đông nắm giữ cổ phiếu. Khác với người nắm giữ cổ phiếu, trái chủ (người nắm giữ trái phiếu) không có quyền tham gia vào hoạt động của công ty.
Có nhiều loại trái phiếu khác nhau, được phân loại tuỳ theo đơn vị phát hành (trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu chính phủ), lợi tức (lãi suất cố định, lãi suất thả nổi, lãi suất bằng 0), mức độ đảm bảo thanh toán, hình thức và tính chất trái phiếu…
Có nhiều loại trái phiếu khác nhau trên thị trường bao gồm trái phiếu được niêm yết và trái phiếu không niêm yết (trái phiếu OTC) trên các sàn giao dịch.
Trái phiếu niêm yết: là các trái phiếu được đăng ký, lưu ký tập trung tại Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) và được giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán tập trung như HOSE hoặc HNX. Các giao dịch trái phiếu sẽ tuân theo quy định của Sở GDCK niêm yết.
Trái phiếu OTC: là các trái phiếu được giao dịch trên thị trường phi tập trung và việc giao dịch trái phiếu được tiến hành dựa trên thỏa thuận giữa các nhà đầu tư với nhau theo nguyên tắc “thuận mua, vừa bán”.
Các loại trái phiếu trên còn được phân chia theo các tiêu chí như sau:
PHÂN CHIA THEO LỢI TỨC TRÁI PHIẾU
TRÁI PHIẾU CÓ LÃI SUẤT BIẾN ĐỔI
(lãi suất thả nổi) là trái phiếu mà lợi tức thay đổi theo từng thời kỳ. Khoản lợi tức này được tính theo mức lãi suất biến đổi theo lãi suất tham chiếu.
TRÁI PHIẾU CÓ LÃI SUẤT CỐ ĐỊNH
là trái phiếu mà lợi tức được xác định theo một tỷ lệ phần trăm (%) cố định tính theo mệnh giá trái phiếu.
TRÁI PHIẾU CÓ LÃI SUẤT BẰNG KHÔNG
là trái phiếu không trả lãi cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhà đầu tư được mua với giá thấp hơn mệnh giá và được hoàn trả bằng mệnh giá khi giữ đến thời gian đáo hạn.
Phân loại theo chủ thể phát hành:
Trái phiếu Chính phủ do Bộ Tài chính phát hành nhằm huy động vốn cho ngân sách nhà nước hoặc các chương trình, dự án thuộc phạm vi đầu tư của nhà nước. Trái phiếu Chính phủ thường có lãi suất thấp nhưng ít rủi ro nhất so với các loại chứng khoán khác.
Trái phiếu chính quyền địa phương do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phát hành với kỳ hạn từ một năm trở lên nhằm huy động vốn cho công trình, dự án đầu tư của địa phương. Nguồn tiền hoàn trả trái phiếu thường là nguồn thu ngân sách địa phương.
Trái phiếu doanh nghiệp do doanh nghiệp (trong đó bao gồm ngân hàng) phát hành để đáp ứng nhu cầu vốn theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ.
Phân loại theo tính chất trái phiếu:
Trái phiếu chuyển đổi (chỉ có ý nghĩa khi chủ thể phát hành là doanh nghiệp) là loại có thể chuyển thành cổ phiếu tại một thời điểm trong tương lai. Trái phiếu chuyển đổi thường có lãi suất thấp nhưng thu hút nhà đầu bởi tỷ lệ chuyển đổi hấp dẫn.
Trái phiếu không chuyển đổi có tính chất ngược lại.
Phân loại theo lợi tức trái phiếu:
Trái phiếu lãi suất cố định là loại trái phiếu đã xác định lợi tức (%) và các đợt trả lãi trong suốt kỳ hạn trái phiếu trên hợp đồng giao dịch trái phiếu.
Trái phiếu lãi suất thả nổi là loại trái phiếu có một mức lợi tức xác định trước, cộng thêm một khoản lợi tức biến động theo lãi suất tham chiếu. Các doanh nghiệp trong nước thường chọn lãi suất tham chiếu là lãi suất trung bình kỳ hạn 12 tháng của 4 ngân hàng nhà nước gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank.
Trái phiếu có lãi suất bằng không là loại trái phiếu mà trái chủ không nhận lợi tứ, nhưng được mua với giá thấp hơn mệnh giá và được hoàn trả bằng mệnh giá khi trái phiếu đáo hạn.
Phân loại theo phương thức đảm bảo:
Trái phiếu có tài sản đảm bảo là loại trái phiếu mà tổ chức phát hành dùng tài sản như bất động sản, máy móc – thiết bị, cổ phiếu để đảm bảo cho việc phát hành. Thông thường tài sản cầm cố có giá trị thị trường lớn hơn mệnh giá trái phiếu đã phát hành. Trong trường hợp tổ chức phát hành mất khả năng thanh toán, trái chủ có quyền phát mãi tài sản đảm bảo để thu hồi số tiền còn nợ.
Trái phiếu không có tài sản đảm bảo có tính chất ngược lại nên mức độ rủi ro cao hơn.
MỘT SỐ THUẬT NGỮ LIÊN QUAN ĐẾN TRÁI PHIẾU
TRÁI CHỦ
là người sở hữu trái phiếu (người cho tổ chức phát hành trái phiếu vay tiền)
MỆNH GIÁ TRÁI PHIẾU
là giá trị được ghi trên trái phiếu (tương ứng với số vốn gốc)
GIÁ PHÁT HÀNH
là giá bán ra của trái phiếu vào thời điểm phát hành. Thông thường giá phát hành được xác định theo tỷ lệ phần trăm (%) của mệnh giá.
GIÁ TRÁI PHIẾU
là mức giá giao dịch, mua và bán trái phiếu trên thị trường vào một thời gian xác định.
KỲ HẠN TRÁI PHIẾU
là thời gian được tính từ lúc trái phiếu được phát hành cho đến khi đáo hạn; theo đó ngày đáo hạn là ngày mà tổ chức phát hành phải mua lại trái phiếu.
LÃI SUẤT TRÁI PHIẾU
là loại lãi suất của tổ chức phát hành cam kết hoàn trả cho nhà đầu tư. Lãi suất trái phiếu có thể là thả nổi hoặc cố định, được trả theo kỳ hạn theo quy định rõ ràng trong bản cáo bạch trái phiếu.