Ông chủ Lalamove – từ tay chơi poker thành tỷ phú giao hàng nhanh
Nhà sáng lập Lalamove Chow Shing Yuk từng là tay chơi poker chuyên nghiệp nhưng việc trở thành tỷ phú lĩnh vực giao hàng nhanh không phải nhờ may mắn như đánh bài.
Lalatech Holdings – sở hữu Lalamove – ngày 28/3 nộp đơn IPO tại Hong Kong. Hồ sơ cho biết nhà sáng lập Chow Shing Yuk (44 tuổi) sở hữu 25% cổ phần qua quỹ tín thác của gia đình.Forbesước tính giá trị tài sản ròng của Chow là 2,2 tỷ USD, đưa ông trở thành tỷ phú khởi nghiệp hiếm hoi ở Hong Kong.
Chow Shing Yuk sinh ra ở Trung Quốc đại lục và lớn lên trong một ngôi nhà gỗ đổ nát ở Hong Kong. Ông không phải là một học sinh xuất sắc thời thơ ấu nhưng đã kịp bứt tốc ngay trước khi tốt nghiệp trung học. Nhờ vậy, Chow đạt điểm cao nhất trong lớp và giành học bổng vào Đại học Stanford.
Thạc sĩ kinh tế kiếm triệu USD từ porker
Tại Stanford, Chow dành một năm học vật lý nhưng sau đó chuyển sang học kinh tế. Tốt nghiệp năm 1999, Chow nhận bằng thạc sĩ kinh tế tại Đại học Hong Kong. Ông bắt đầu sự nghiệp ở hãng tư vấn tại Bain & Company trụ sở Hong Kong, với vai trò cố vấn quản lý trong 3 năm.
Tuy nhiên, sau khi dành phần lớn thời gian làm việc để chơi poker online, Chow quyết định nghỉ việc để thử sức đánh bài trực tuyến chuyên nghiệp. Chow đôi khi chơi đồng thời 8 bàn khác nhau để tối đa hóa trải nghiệm. Cùng với đó, ông sử dụng phần mềm phân tích dữ liệu để hiểu rõ hơn.
Trong cuộc phỏng vấn năm 2015, Chow trích dẫn quy tắc 10.000 giờ của nhà kinh tế học Malcolm Gladwell để giải thích khả năng trở thành người chơi poker chuyên nghiệp trong vài năm với 10 đến 12 giờ chơi mỗi ngày. Chow chỉ mất 3 năm để bắt đầu kiếm được tiền. Có những tháng ông kiếm lời đến một triệu đôla Hong Hong (gần 130.000 USD).
Tuy nhiên, Đạo luật Thực thi Cờ bạc Bất hợp pháp trên Internet (UIGEA), được ban hành tại Mỹ năm 2006, đã ngăn cản Chow kiếm tiền. Ông quyết định đến Macau để đánh trực tiếp trong sòng bạc. Sau 7 năm chơi poker, Chow tích lũy 3,87 triệu USD và trở về Hong Kong.
Tại đó, ông hưởng lợi khi hàng chục bất động sản đã mua vào thời kỳ suy thoái 2009 tăng giá mạnh. Dù vậy, ông không thích nhàn rỗi từ ngành này. Năm 2013, Chow nhận ra cơ hội trong ngành công nghiệp internet di động, với các công ty vận tải hành khách mới nổi như Uber và Didi.
Bán bất động sản mở công ty giao hàng
Sau khi gặp thất vọng với dịch vụ đặt giao hàng qua tổng đài, ông nhìn thấy tiềm năng kinh doanh lớn hơn trong lĩnh vực hậu cần vận chuyển hàng hóa. “Có 1,35 triệu taxi ở Trung Quốc nhưng có 20 triệu xe tải chở hàng. Hiệu quả của 20 triệu xe tải đó là rất thấp”, Chow từng nói.
Tháng 10/2013, Chow bán tất cả bất động sản để lập EasyVan (sau là Lalamove) cùng Gary Hui và Matthew Tam. Họ ra mắt ứng dụng EasyVan đầu tiên sau 8 tuần. Nền tảng này học hỏi từ Uber, cho phép khách hàng và tài xế giao hàng kết nối trực tiếp, tạo điều kiện thuận lợi cho các dịch vụ giao hàng tại Hong Kong.
Với ngân sách eo hẹp giai đoạn đầu, công ty cho nhân viên ra đường cầm bảng quảng cáo ứng dụng. Mới tháng đầu hoạt động, Chow vội vàng mở rộng sang Nhật Bản và buộc phải rút lui trong thua lỗ.
Cuối 2014, EasyVan mở rộng sang Trung Quốc đại lục và Đông Nam Á thông qua hai thương hiệu và ứng dụng độc lập: Huolala cho Trung Quốc và Lalamove cho Đông Nam Á. Để thâm nhập Trung Quốc, Chow thuê các nhân viên nữ trẻ đi mời các nam tài xế xe tải lớn tuổi cài Huolala. Ý tưởng này thành công, giúp công ty đủ tài xế để đi gọi vốn cho vòng Series A trị giá 10 triệu USD vào tháng 1/2015.
Kể từ đó, công ty phát triển nhanh chóng. Năm 2019, Lalamove thành “kỳ lân” (startup định giá từ một tỷ USD) sau vòng gọi vốn Series D trị giá 300 triệu USD. Đến cuối năm ngoái, công ty có mặt tại 400 thành phố trên 11 thị trường, gồm Bangladesh, Brazil, Indonesia, Malaysia, Mexico, Singapore, Thái Lan, Philippines và Việt Nam. Họ có kế hoạch thâm nhập Trung Đông vài năm tới.
Lalatech Holdings hiện được hậu thuẫn bởi 3 nhà đầu tư chính là Sequoia China, Hillhouse và Tencent. Các nhà đầu tư khác bao gồm: bảo hiểm nhân thọ FWD của tỷ phú Richard Li; 2 ông trùm đầu tư bất động sản là C Capital và Gaw Capital Partners. Ngoài ra còn có Shunwei Capital của nhà đồng sáng lập Xiaomi Lei Jun; gã khổng lồ giao đồ ăn Trung Quốc Meituan, quỹ phòng hộ D1 Capital Partners của tỷ phú Daniel Sundheim và Boyu Capital.
Lalatech cho rằng công ty tăng trưởng ổn định nhờ mạng lưới đại lý và nhà cung cấp dịch vụ rộng lớn đã xây dựng vài năm qua. Tính đến cuối 2022, Lalatech có hơn 7 triệu nhà cung cấp đã được xác thực và trung bình hơn 11 triệu thương nhân sử dụng nền tảng của họ hàng tháng.
Lần gọi vốn gần đây nhất của Lalatech là vòng Series G trị giá 230 triệu USD vào tháng 11/2021, trong thời kỳ bong bóng khởi nghiệp. Theo một báo cáo của trang Information, Lalatech được định giá 13 tỷ USD khi ấy.
Nhưng từ đó, giá trị của nhiều startup bốc hơi trong bối cảnh lãi suất tăng và lo ngại suy thoái kinh tế. Bản cáo bạch IPO của Lalatech tiết lộ Chow đã bán 2,17 triệu cổ phiếu của công ty cho Tencent với giá 100 triệu USD vào tháng 12/2022. Thương vụ đưa định giá công ty còn khoảng 7,8 tỷ USD.
Trong bản cáo bạch niêm yết, công ty tuyên bố là nền tảng giao dịch hậu cần “end-to-end ” (trọn gói cho doanh nghiệp từ vận chuyển đầu vào đến đầu ra đến tay khách hàng) lớn nhất thế giới tính theo tổng giá trị giao dịch vào nửa đầu 2022. Họ chiếm 43,5% thị phần, theo hãng tư vấn Frost & Sullivan. Theo Bloomberg, con số này cao gấp 3,5 lần so với công ty đứng thứ 2 là Uber Freight thuộc Uber.
Lalatech tập trung vào việc giao hàng trong nội đô. Năm ngoái, startup này cố gắng thu hẹp 96% khoản lỗ ròng, xuống còn 93 triệu USD. Trong cùng thời gian đó, công ty đã chứng kiến doanh thu tăng 23% lên khoảng một tỷ USD. Hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc đại lục đóng góp hơn 90% con số này.
Phiên An(theo Forbes, krAsia)