Mèo “hoa hậu”, mèo “lực sĩ”, mèo “chuột chù”… là những biệt danh được đặt cho linh vật năm Quý Mão 2023 đang xuất hiện ở nhiều nơi trên cả nước.
AA
Tại cổng chính Công viên thống nhất,Hà Nộihàng năm đặt những con giáp của năm mới. Linh vật Tết Quý Mão là chú mèo màu vàng cam, cao 2 m, dài 3 m, được sơn màu rực rỡ, bên ngoài bọc kín bằng lớp dây thừng để tránh mưa nồm của thời tiết đầu năm mới ở thủ đô.
Theo Công ty TNHH Một thành viên công viên Thống Nhất, khung chú mèo trước đây được nước ngoài tài trợ và trồng hoa ở bên trong. Sau khi cắt cây, công ty đã mua dây nylon để công nhân tự quấn, vẽ thành hình con mèo, chi phí 3-4 triệu đồng. Ảnh:Ngọc Thành
Tượng mèo chào năm Quý Mão được đặt tại khuôn viên khu vui chơi của một doanh nghiệp ở xã Tiên Trang, huyện Quảng Xương,Thanh Hóađể phục vụ du khách tham quan.
Tượng cao hơn 2 m, dài khoảng 4 m được làm bằng ximăng, sơn màu vàng. Nhiều ý kiến cho rằng, bức tượng có hình dáng khá lạ lẫm, “trông như con chuột khổng lồ” hơn là loài mèo. Ảnh:Lê Hoàng
Sáng 25 tháng Chạp, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) khai mạc không gian đón xuân tại Quảng trường trung tâm huyện – thị trấn Ái Tử. Điểm nhấn là linh vật mèo cao 3,1 m, dài 2,8 m, chế tác từ xốp cứng, thạch cao, cắt tỉa, tô và phun màu. Ngay khi hình ảnh tượng mèo này xuất hiện trên mạng, nhiều người đã đặt biệt danh là “hoa hậu mèo”.
Anh Đinh Văn Tâm (32 tuổi, ở xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong), tác giả của bức tượng cho biết mất 10 ngày để hoàn thành. “Khó nhất là tạo khuôn mặt, phải nhiều lần đập đi làm lại mới tạo được hình dáng gần giống với thực tế”, anh Tâm nói.
Ông Lê Xuân Lương, Chủ tịch UBND thị trấn Ái Tử cho biết, tượng linh vật được lựa chọn là “giống mèo thuần Việt, gần gũi, phù hợp với văn hóa dân tộc”. Ảnh:Hoàng Táo
Gia đình mèo được đặt ở công viên Lý Tự Trọng bên bờ sông Hương,TP Huế. Tượng gồm mèo bố mẹ cao 2,1 m, ba mèo con cao 0,9-1,2 m được làm từ chất liệu bằng xốp, phủ thạch cao. Ảnh:Võ Thạnh
Đường hoa xuân ởĐà Nẵngđang được hoàn thiện, trong đó điểm nhấn là linh vật mèo đặt ven sông Hàn. Tại công viên phía tây cầu Rồng (quận Hải Châu) là ba linh vật mèo thiết kế ngộ nghĩnh. Ảnh:Nguyễn Đông
TạiQuảng Ngãi, con mèo vàng cao 2 m ở công viên Ba Tơ, cửa ngõ thành phố. Ông Bùi Đức Thuận, Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư Xây dựng và Phát triển Quỹ đất thành phố, chủ đầu tư dự án cho biết năm nay thành phố đầu tư hơn 8 tỷ đồng để trang trí công viên Ba Tơ, công viên Bưu điện tỉnh, núi Long Đầu và các đường phố, cơ quan doanh nghiệp. Ảnh:Phạm Linh
Linh vật mèo ởBình Địnhđược khánh thành hôm 11/1, nguồn vốn xã hội hóa.
Tiểu cảnh gồm gia đình mèo dài 6 m, trong đó mèo bố, mẹ cao 3,6-4 m và 7 mèo con (mỗi con cao gần 1,6 m) được tạo hình sinh động, hiền hòa, sum vầy, hạnh phúc bên nhau.
Bên cạnh mèo là cụm mô hình dưa hấu, bánh chưng, pháo Tết… được cách điệu với mong muốn “quê hương Bình Định sẽ đón một năm mới sung túc, bình an và phát triển”. Ngoài ra, hai bên là các cụm biểu tượng phụ thể hiện nét văn hóa truyền thống của tỉnh này. Ảnh:Phạm Linh
Tượng mèo vàng ở công viên Yến Phi và Quảng trường 2 Tháng 4, TP Nha Trang,Khánh Hòa. Những linh vật này được làm bằng khung sắt mạ kẽm, xốp định hình và sơn chuyên dụng, có chiều cao và độ dài khoảng 1,5-2 m, với tư thế nằm và ngồi trên đồng tiền, với ý tưởng mong muốn một năm trù phú, bình an.
Dịp này, UBND TP Nha Trang giao cho Công ty Môi trường đô thị Nha Trang thực hiện trang trí Tết, với kinh phí khoảng 6 tỷ đồng bao gồm hệ thống điện, tiểu cảnh, mô hình trang trí… Ngoài mô hình mèo vàng còn có mô hình mèo tam thể, mèo hoạt hình để thu hút thiếu nhi vui chơi dịp Tết Quý Mão. Ảnh:Bùi Toàn
Sáu con mèo cùng tiểu cảnh ở Quảng trường Đại Đoàn Kết, TP Pleiku,Gia Laiđược đầu tư khoảng 150 triệu đồng. Linh vật cao 2,5 m, đường kính lớn nhất 1,5 m, chất liệu xốp, thạch cao, sơn nhũ, do Phòng Quản lý đô thị TP Pleiku thiết kế.
Ý tưởng mẹ con mèo sơn vàng thể hiện sự sung túc, giàu có. Hình khối tam giác thể hiện sự vững chải, mạnh mẽ, vượt qua khó khăn của người dân Tây Nguyên. Ảnh:Trần Hóa
Linh vật gia đình mèo được trưng bày trên đường Cách Mạng Tháng Tám, lối vào trung tâm TP Biên Hòa, Đồng Nai. Ngoài các cửa ngõ thành phố, năm nay Biên Hòa còn làm các tiểu cảnh xuân tại Công viên 5B và phố đi bộ Nguyễn Văn Trị ven sông Đồng Nai. Ảnh:Phước Tuấn
Sáng 25 tháng Chạp, linh vật mèo tại đầu đường hoa Nguyễn Huệ, đoạn gần UBNDTP HCMđã hoàn thiện trang trí cơ bản. Năm nay, linh vật ở cổng chào không còn là hình ảnh gia đình sum vầy như mọi năm. Đàn mèo không nằm ở vị trí trung tâm mà dời sang hai bên để tạo không gian thoáng đãng. Mô hình mèo mẹ cao khoảng 5 m, dáng ngồi thẳng, đuôi quấn quanh như đang che chở đàn con. Các linh vật được làm bằng xốp, bề mặt sơn giả gốm, mất hơn chục ngày để hoàn thiện. Ảnh:Quỳnh Trần
Cặp mèo đặt ở cuối đường hoa Nguyễn Huệ, đoạn giao với đường Tôn Đức Thắng đang được phủ bạt để trang trí thêm và tránh bám bụi. Đôi mèo cao khoảng 5 m, là giống mèo tam thể đặc trưng của Việt Nam, quấn quýt bên nhau như lời chúc cho năm mới đoàn viên, hạnh phúc.
Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Quý Mão được chia thành hai phần, gồmXuân an vuivàXuân thịnh vượng; thi công trong 17 ngày. Tuyến đường mở cửa từ 19h ngày 28 tháng Chạp đến mùng 5 Tết. Để kỷ niệm 20 năm hình thành, có 20 linh vật từng trang trí ở đường hoa Nguyễn Huệ, sẽ được đặt trong đại cảnh mang tênVùng ký ức.Các linh vật này giống khoảng 80% so với nguyên bản năm xưa. Ảnh:Quỳnh Trần
Tại miền Tây, đôi mèo “lực sĩ” với một tay cơ bắp cuồn cuộn, một tay thả tim, ở khu du lịch Cồn Phụng,Bến Tređang gây sốt trên mạng. Ông Phan Văn Thông, Giám đốc khu du lịch, cho biết hai con mèo được tạo hình nguyên khối cao khoảng 1,9 m, màu vàng và đỏ.
Hai tượng mèo được đặt đối xứng hai bên của trái dừa, đặc sản của Bến Tre.
Theo âm lịch, 2023 là năm Quý Mão, được đại diện bởi con mèo. Đây là loài vật đứng thứ tư trong 12 con giáp (Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi), được xem biểu tượng của sự trường thọ, hòa bình và thịnh vượng. Ảnh:Hoàng Nam
Nhóm phóng viên