Các thông tin về nới room tín dụng đang tạo hiệu ứng tích cực với thị trường bất động sản, tuy nhiên theo chuyên gia, rất khó để dự đoán thời điểm “sốt đất” quay trở lại hay không.
Thị trường bất động sản thời gian qua rơi vào tình trạng trầm lắng và xuất hiện tình trạng bán dưới giá vốn trên thị trường thứ cấp ở một số dự án, nhà đầu tư áp lực tài chính. Tuy vậy, theo đánh giá của giới chuyên gia, thị trường bất động sản chỉ xuất hiện tình trạng bán tháo cục bộ ở một số nơi từng “sốt đất”.
Hiện tại, các thông tin về nới room tín dụng đang tạo hiệu ứng tích cực với thị trường bất động sản. Nhiều chuyên gia cũng dự báo, cùng với chính sách tín dụng thay đổi, các yếu tố như nguồn cung khan hiếm, nhu cầu đầu tư bất động sản còn cao, lợi nhuận ổn định nhưng rất có thể sẽ tái xuất hiện “cơn sốt” cục bộ vào thời điểm cuối năm.
Nhiều nhà đầu tư vẫn âm thầm theo dõi sát diễn biến của thị trường bất động sản. Anh Nguyễn Quang Hòa – một nhà đầu tư bất động sản chuyên nghiệp ở Hà Nội – chia sẻ, thông tin nới room tín dụng đã khiến tâm lý các nhà đầu tư “dễ thở” hơn. Tuy nhiên, việc nhộn nhịp giao dịch còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
“Việc nới tín dụng cũng chỉ mới ở giai đoạn đầu, và không phải dành riêng cho bất động sản. Tuy nhiên, việc vay vốn để đầu cơ, lướt sóng sẽ gặp khó trong thời gian tới, kể cả việc vay vốn để sử dụng vào mục đích này”, anh Hòa nói.
Theo ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, dòng tiền trục trặc làm ảnh hưởng đến các nhóm đối tượng quan trọng của thị trường bất động sản. Cụ thể như nhà phát triển bất động sản, hơn 30 ngành nghề liên quan và khách hàng có nhu cầu mua bất động sản.
Ông Đính cho rằng, cùng với động thái nới room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, thị trường bất động sản đang được tháo các nút thắt lớn từ sau Chỉ thị 13 của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý, công khai minh bạch thông tin quy hoạch… 2 lực đẩy này sẽ quan trọng cho thị trường bất động sản hồi phục và sôi động trở lại sau thời gian dài trầm lắng trong năm nay.
Về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, ông Đính cho rằng, cần có những quy định pháp luật để khơi thông nguồn vốn cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản, để các dự án được triển khai liền mạch, giảm sức ép lên thị trường, đưa mức giá bất động sản nhà ở xuống mức dễ chịu hơn với những hộ gia đình có nhu cầu thực. Qua đó, giải quyết được nhu cầu cấp thiết về nhà ở cho người dân.
Ông Trần Khánh Quang – chuyên gia bất động sản – cho rằng, bất động sản đang trở thành kênh đầu tư nhưng cũng là nơi đầu cơ của nhiều đối tượng. Tình trạng ôm đất bỏ hoang chờ tăng giá, tình trạng trao qua bán lại nhằm thổi giá, bong bóng bất động sản, “sốt đất” cục bộ diễn ra ngày càng nhiều. Đây chính là những minh chứng rõ nhất cho sự phát triển quá “nóng” của thị trường này thời gian qua.
Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh, khi thị trường phát triển nóng theo chiều hướng kém bền vững, không lành mạnh, thiếu hiệu quả lâu dài, đòi hỏi phải có các giải pháp khắc phục, kiềm chế và định hướng. Việc thắt chặt tín dụng cũng được xem là một trong số những giải pháp.
Dự báo diễn biến thị trường bất động sản thời gian tới, vị chuyên gia này nhìn nhận, sau khi room tín dụng được mở, nhiều nhà đầu tư đất nền có tâm lý lạc quan hơn vào thị trường thời điểm cuối năm. Tuy nhiên, sự chuyển biến của thị trường chưa thể hiện rõ nét vào cuối năm nay, bởi tài chính của nhiều nhà đầu tư vẫn bị ảnh hưởng do dịch bệnh, sản xuất kinh doanh.
Cũng theo ông Quang, riêng quý II, mặc dù nhu cầu sở hữu bất động sản là rất lớn, song tính thanh khoản của các sản phẩm được chào bán trên thị trường rất thấp. Bởi vì những sản phẩm này không phải là phân khúc mà người có nhu cầu thực hướng đến. Vì thế, rất khó để dự đoán thời điểm “sốt đất” quay trở lại bởi hiện tại thị trường bất động sản vẫn đang gặp một số thách thức, ngoài vấn đề tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước vừa tiến hành phân bổ nốt room tín dụng cho một số ngân hàng. Theo Ngân hàng Nhà nước, việc nới room tín dụng nhằm thuận tiện cho việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% cũng như đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Việc phân bổ room tín dụng còn lại của năm nay sẽ có khoảng 457.000 tỷ đồng được phân bổ về cho các ngân hàng.