Thực hiện chủ trương của Tỉnh và Thành ủy Bắc Ninh về việc tổ chức Cuộc vận động Sáng tác mẫu Biểu trưng thành phố Bắc Ninh và xây dựng Biểu tượng Rồng tại đảo tròn Ngã Sáu chào mừng kỷ niệm 10 năm thành lập thành phố, 185 năm thành lập và 20 năm tái lập tỉnh Bắc Ninh. Sau khi triển khai tổ chức Cuộc vận động sáng tác mẫu Biểu trưng về thành phố và lên ý tưởng tạo hình Biểu tượng Rồng tại đảo tròn Ngã Sáu, UBND thành phố triển khai kế hoạch trưng bày lấy ý kiến nhân dân về Mẫu biểu trưng thành phố Bắc Ninh và Biểu tượng Rồng tại đảo tròn Ngã Sáu.
* Nội dung:
– Trưng bày lấy ý kiến Mẫu biểu trưng Thành phố Bắc Ninh: Bao gồm 10 tác phẩm được vào vòng chung khảo Cuộc vận động sáng tác Mẫu biểu trưng về thành phố, trong đó tập trung vào 3 mẫu xuất sắc nhất được Hội đồng lựa chọn.
3 Mẫu Biểu trưng được Hội đồng lựa chọn:
THUYẾT MINH LOGO
Hình ảnh logo chia làm 2 phần. Phần dưới tượng trưng cho nền tảng quá khứ. Phần trên tượng trưng cho hiện tại và tương lai của thành phố Bắc Ninh.
Hình ảnh chính của phần dưới logo là hình mái chùa uốn cong với những đường nét tối giản gợi cấu trúc cột gỗ của kiến trúc xưa. Hình ảnh này mang ý nghĩa tượng trưng cho Bắc Ninh. Đó là vùng đất địa linh nhân kiệt, là nơi sở hữu rất nhiều Đình, Chùa và di tích lịch sử. Dưới mái chùa là hình chiếc nón quai thao – một hình ảnh tượng trưng cho Nghệ thuật Quan họ Bắc Ninh (tổng thể hình tròn của logo cũng được lấy cảm hứng từ hình ảnh Nón quai thao).
Hình tượng ngọn bút (viết lên trời xanh) nổi bật ở trung tâm logo nói lên truyền thông khoa bảng nổi danh (đứng đầu nước Việt) của Bắc Ninh. Nó cũng tượng trưng cho tinh thần nhân văn và chí khí của con người nơi đây.
Hình tượng ngọn bút ở đỉnh mái chùa cũng tượng trưng cho sự kết tinh Văn hoá, truyền thống văn chương nghệ thuật. Đồng thời ngọn bút còn tượng trưng cho sức sáng tạo của lãnh đạo và nhân dân thành phố Bắc Ninh khi xây dựng phát triển thành phố quê hương.
Hình tam giác đầu hồi mái chùa như hình mũi tên – dấu hiệu chỉ hướng phát triển đi lên của thành phố Bắc Ninh. Hình ngọn bút và mái chùa là cặp hình ảnh tượng trưng cho những giá trị cốt lõi, nền tảng vững bền của truyền thống văn hiến xứ Kinh Bắc.
Phần trên của logo là hình ảnh toà nhà lớn đang vươn cao – tượng trưng cho cấu trúc của một đô thị hiện đại – tượng trưng cho thành phố trẻ Bắc Ninh. Tượng trung cho khát vọng vì sự thịnh vượng của Bắc Ninh. Đồng thời toà nhà cũng được tạo hình như trang sách mới. Hình ảnh đó tượng trung cho khái niệm Thành phố văn minh, cởi mở và hiếu khách. Hình tượng đó mang thông điệp: “Thành phố Bắc Ninh là Thành phố của Văn hoá, tri thức và luôn đề cao những giá trị nhân văn”.
Hình lá cây xen lẫn giữa công trình của thời xưa và nay thể hiện thành phố Bắc Ninh là đô thị theo đuổi mục tiêu đô thị sinh thái, đô thị thân thiện với môi trường. Logo dùng một màu xanh lá cây một lần nữa khẳng định Thành phố đề cao sự phát triển bền vững, hiện đại và hài hoà với thiên nhiên.
Hình ảnh logo thành phố Bắc Ninh là sự gắn kết hình ảnh giữa truyền thống và hiện đại, giữa quá khứ đầy tự hào với tương lai tươi sáng. Đó là đô thị của sự sáng tạo – của sinh thái, thành phố của Văn hoá và sự thịnh vượng.
THUYẾT MINH LOGO
1. Cấu trúc biểu trưng:
Cấu trúc biểu trưng được chia làm hai phần: Phần biểu tượng và phần chữ “Thành phố Bắc Ninh”. Bố cục được thiết kế trong hình tròn với ý nghĩa hoàn hảo, năng động và tin cậy.
Phần biểu tượng: Gợi hình ảnh cụm di tích thành cổ Bắc Ninh với cổng thành và cột cờ, nơi lưu giữ dấu ấn của quá trình hình thành và phát triển của thành phố Bắc Ninh. Phần mái cong thể hiện dấu ấn của văn minh lúa nước từ hàng ngàn năm trên vùng đất Bắc Ninh. Hình ảnh được khái quát, biểu trưng hóa cao độ, gợi sự liên tưởng tới quá trình hình thành và phát triển của thành phố. Các khối mảng mầu cũng gợi hình ảnh những tòa nhà hiện đại đang vươn lên trong quá trình đô thị hóa, phía trên là hình ảnh mái nhà cong truyền thống biểu tượng cho mục tiêu phát triển nhưng vẫn giữ gìn bản sắc dân tộc, lưu giữ những tinh hoa từ hàng ngàn năm, thành phố là sự giao thoa giữa những giá trị truyền thống và hiện đại. Phần mái cong cũng liên tưởng tới Văn Miếu Bắc Ninh biểu tượng cho vùng đất khoa bảng. Biểu tượng cho đình chùa miếu mạo, những di sản văn hóa của thành phố.
Vòng hào quang biểu tượng cho những giá trị vĩnh cửu, truyền thống hàng ngàn năm nơi ghi dấu ấn những trang sử hào hùng của dân tộc. Đồng thời cũng gợi hình ảnh nan lá của chiếc nón quai thao, hình ảnh đặc trưng mang dấu ấn của vùng đất Kinh Bắc, gắn liền với những làn điệu Quan họ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Phần chữ sử dụng font chữ Arial đơn giản, dễ nhận biết và dễ đọc.
Biểu trưng được tạo hình đơn giản, mang tính khái quát, tạo tín hiệu thị giác tốt trong việc nhận diện. Biểu trưng được ứng dụng cho mọi chất liệu in ấn, dập nổi, sử dụng đèn LED…
2. Mầu sắc:
Mầu sắc sử dụng mầu nâu đỏ, mầu của sự tích tụ giá trị vĩnh cửu, mầu của những làng nghề truyền thống đặc trưng còn lưu giữ đến ngày nay. Mầu của truyền thống hàng ngàn năm xây dựng và phát triển.
THUYẾT MINH LOGO
Thành phố Bắc Ninh là một vùng đất cổ, rất tự hào với một miền quê văn hiến, khoa bảng, truyền thống và cách mạng. Là cái nôi của nền Văn hóa Quan họ – di sản phi vật thể của nhân loại, nơi có một khu thành cổ với lối kiến trúc độc đáo mang hình ngôi sao sáu cánh, không chỉ giữ vai trò quan trọng về quốc phòng, mà còn có giá trị đặc biệt về văn hóa kiến trúc tiêu biểu. Và bây giờ là một Thành phô Bắc Ninh đang phát triển mạnh mẽ cùng với sự đi lên của cả nước. Chính vì ý nghĩa ấy, ý tưởng sáng tạo biểu trưng thành phố Bắc Ninh của tôi là sử dụng các hình tượng tiêu biểu, chắt lọc như: Chiếc nón quai thao của người Quan họ, phía bên ngoài là hình tượng kiến trúc Thành cổ kết hợp cùng với lối kiến trúc đô thị mới hiện đại với những tòa nhà cao tầng tượng trưng cho sự phát triển và không ngừng lớn mạnh.
– Trưng bày Phối cảnh tổng thể Biểu tượng Rồng tại đảo tròn Ngã Sáu.
THUYẾT MINH Ý TƯỞNG
Biểu tượng Rồng là công trình tượng đài hoành tráng của Thành phố Bắc Ninh- Tỉnh Bắc Ninh.
Là công trình văn hóa nghệ thuật biểu hiện nội dung tư tưởng và tinh thần thời đại, mang hình thái xã hội đương thời, được thể hiện bằng chất liệu bền vững, là bộ phận cấu thành của không gian kiến trúc đô thị và cảnh quan thiên nhiên, có quy mô và hình thức nghệ thuật hoành tráng, tác động đến nhận thức xã hội.
Ý tưởng tạo hình Biểu tượng Rồng phải nêu được chủ đề tư tưởng:
- Tôn vinh truyền thống lịch sử dân tộc.
- Tự hào về sự tồn tại, thịnh vượng của 9 vương triều Lý trên đất Kinh Bắc.
- Ca ngợi văn hiến lâu đời của Kinh Bắc, làm sáng tỏa một vùng miền đất nước.
- Ca ngợi sức mạnh, tài năng của con người Kinh Bắc.
Ý tưởng tạo hình một công trình tượng đài hoành tráng phải là ý tưởng lớn, bao trùm các lĩnh vực: Quy hoạch kiến trúc- xây dựng, vật liệu và quan trọng là điêu khắc- mỹ thuật, kể cả lĩnh vực kỹ thuật phụ trợ khác.
Về quy hoạch:
- Nằm tại nút giao thông ngã 6. Nút giao thông lớn nhất của trục đường Thần đạo mang tên Lý Thái Tổ, diện tích 5000m2, đường kính 80m. Trục đường của 6 ngả đường dẫn vào khu Trung tâm thành phố của Tỉnh. Trục đường mang trên mình các công trình quan trọng nhất của Thành phố và Tỉnh như: Trụ sở Tỉnh ủy, Trụ sở UBND Tỉnh, Trung tâm hội nghị, Tượng đài Lý Thái Tổ, Vườn Nguyên Phi Ỷ Lan, Bảo tàng, Nhà văn hóa tỉnh, các trụ sở công quyền, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, Cung thiếu nhi, Trụ sở các doanh nghiệp lớn của Tỉnh.
- Các công trình xung quanh biểu tượng của 6 ngả đường đều là các công trình kiến trúc hiện đại của Tỉnh, có quy mô, tầm vóc quốc gia, quốc tế.
Về kiến trúc, xây dựng:
- Kiến trúc các công trình phụ cận Biểu tượng có ý nghĩa phục vụ, tôn vinh:
+ Hệ thống đường dạo:
- Vành đai vòng ngoài đón tiếp.
- Các đường dẫn vào trung tâm.
- Vành đai chiêm ngưỡng tượng đài.
+ Hệ thống cây xanh, thảm cỏ, thảm hoa chiếm diện tích khá lớn, làm nền “xanh” cho công trình.
+ Hồ nước giữa đảo là công trình phụ cận quan trọng, làm nền “nước” cho công trình, bể của Hội Chín Rồng chầu Ngọc, diện tích 1661m2, đường kính 46m.
Về điêu khắc, mỹ thuật:
- Là chất liệu chủ yếu của Biểu tượng
+ Hình tượng, tư thế: Hình tượng Rồng Lý ở 3 tư thế:
- Thế Thăng Long: 3 Rồng bay với thế rất ngoạn mục: Chầu ngọc Minh Châu. Toàn thân nằm gọn trong một điểm tựa là cánh lá đề.
- Thế Thăng Long này phỏng theo hình tượng đôi Rồng trong lá đề của chạm khắc cổ trên đầu ngói mũi hài của các công trình Cung đình thời Lý ( khai quật được ở Hoàng thành Thăng Long).
- Thế Hạ Long: 3 Rồng uốn lượn khoan thai trên mặt nước, đầu hướng vào trung tâm.
- Thế Tiềm Long: 3 Rồng cuộn tròn, ẩn mình trong nước.
- Thế Tiềm Long cũng là hình tượng đặc biệt còn lưu giữ tồn tại ở một ngôi chùa cổ Bắc Ninh
+ Điêu khắc:
- Đầu và thân Rồng lưu giữ được những nét đẹp như bờm với nhiều lớp sóng, mang có nhiều vẩy, miệng mở rộng, mắt to tròn thể hiện vẻ uy nghiêm.
- Thân uốn lượn mềm mại theo các tư thế.
- Đuôi vẫy cao.
- Chân khoan thai.Toàn thân Rồng được cấu tạo đủ những nét truyền thống, song được cách điệu vào các khối âm. Các chi tiết nêu trên được khắc chìm trong “ khối vuông” tạo hình Rồng, tạo nên bởi khối kiến trúc bao trùm các đường nét điêu khắc chìm.
- Tạo khối này cũng phỏng theo phong cách nghệ thuật điêu khắc độc đáo của một đôi Rồng chầu tại một đền thờ cổ.
Về chất liệu: Là công trình xây dựng tượng đài hoàn tráng có kích thước lớn, nên kết cấu phần thô toàn thân bằng bê tông cốt thép với nền móng cọc có bê tông sâu, chắc.
Vỏ bọc tạo dáng Rồng là các chất liệu, vật liệu trang trí đẹp, bền:
- Nền thân Rồng được bọc đá hoặc gốm mosaic chất liệu cao màu vàng nhạt làm thân Rồng.
- Vây, bụng Rồng, các chi tiết đầu Rồng bọc hồ quang đồng hoặc bọc đồng tạo nén nhấn cho biểu tượng Rồng. Ngọc Minh châu có khối tròn, là một tổ hợp các kính cường lực màu treo trong không gian tạo sự huyền ảo.
- Các bệ Rồng có họa tiết nổi đục đá tảng sóng thủy ba màu đỡ các khối Rồng.
- Bể nước: đáy bể, thành bể dán đá mosaic có các hoa văn, họa tiết thời Lý, trang trí là nền “thủy” của công trình.
- Lan can là các trụ đá trắng vuông nguyên khối, tay vịn bằng thép thanh mảnh sơn nhúng màu đen để bảo vệ song không cản tầm nhìn.
- Đường hè bằng đá xanh khối nhỏ 10x10x10 xếp khan trang trí tạo hình xoáy tròn tại các đường giao, tạo vẻ uy nghiêm.
- Thảm cỏ, thảm hoa màu sắc nền nã, hài hòa tạo nền “xanh” cho công trình.
Về các công trình kỹ thuật:
+ Điện:
- Điện ánh sáng: Thiết kế ánh sáng hắt vào công trình làm lộ rõ vẻ đẹp điêu khắc, kiến trúc mỹ thuật. Hạn chế dùng cột đỡ ( nếu có, phải tạo dáng phù hợp với cảnh quan).
- Điện trang trí: Tận dụng điện ánh sáng để trang trí, không dùng đèn nhấp nháy, đèn chạy.
+ Nước:
- Cấp nước: Thiết kế hệ thống vòi phun nghệ thuật phù hợp làm mát, làm đẹp cảnh quan và công trình.
- Tưới nước cho các thảm cỏ, thảm hoa, tưới rửa các đường dạo.
- Thoát nước: Thiết kế hệ thống thoát nước thau rửa cho bể, thoát nước mưa không để ứ đọng các nền đường, thảm cỏ, thảm hoa.
* Thời gian trưng bày lấy ý kiến: Từ ngày 18/8/2016 đến 03/9/2016
Buổi sáng: từ 7h30 đến 11h30; Buổi chiều từ 13h30 đến 16h30.
* Địa điểm: Tại Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh
Số 02, đường Lý Thái Tổ, phường Suối Hoa, thành phố Bắc Ninh.
* Hình thức lấy ý kiến:
– Lấy ý kiến nhân dân thành phố bằng phiếu thông qua các xã, phường và cơ quan, đơn vị thành phố triển khai:
+ Mời Hội Kiến trúc sư, Hội Xây dựng, Hội Văn học nghệ thuật, Hội Sử học tỉnh Bắc Ninh; các đồng chí cán bộ, lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ tham dự chương trình Trưng bày và tham gia đóng góp ý kiến Mẫu biểu trưng Thành phố Bắc Ninh và Biểu tượng Rồng tại Bảo tàng Bắc Ninh.
+ Đối với xã, phường: Mỗi xã, phường mời giúp 100 người tham dự chương trình Trưng bày và tham gia đóng góp ý kiến, thành phần gồm: Thường trực Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ, trưởng các ban, ngành, đoàn thể xã, phường; Bí thư chi bộ, trưởng thôn (khu phố) và nhân dân.
+ Đối với Khối giáo dục – đào tạo: Đề nghị Phòng Giáo dục – Đào tạo thành phố tổ chức cho cán bộ phòng Giáo dục và Đào tạo; Hiệu trưởng, phó Hiệu trưởng; Chủ tịch công đoàn và giáo viên tham gia góp ý kiến Mẫu biểu trưng Thành phố Bắc Ninh và Biểu tượng Rồng.
+ Các phòng, ban, ngành, đoàn thể thành phố.
+ Ủy ban MTTQ và các ban, ngành, đoàn thể; Hội Văn học nghệ thuật thành phố: Tuyên truyền vận động hội viên, đoàn viên và tổ chức đoàn tham gia đóng góp ý kiến về Biểu trưng thành phố Bắc Ninh và Biểu tượng Rồng tại Ngã sáu tại Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bắc Ninh
- Nhà ở xã hội D-Green Park (Dabaco Khắc Niệm)
- MGID là gì? mạng quảng cáo thay thế Google Adsense
- Tăng cường quy mô, mở rộng lĩnh vực hợp tác thanh niên Việt Nam – Cuba
- Thống trị quảng cáo trực tuyến từ những giao kèo bí mật giữa Facebook và Google
- Vinfast ra mắt 3 dòng ô tô điện tự lái – khẳng định tầm nhìn trở thành hãng xe điện thông minh toàn cầu
- 10 giây phát hiện COVID-19 qua nước xúc miệng
- VÌ SAO TẾT KHÔNG CÒN VUI NHƯ TRƯỚC NỮA?
Bài viết cùng chủ đề:
-
Trend ‘đúng nhận sai cãi’ là gì mà đang khiến dân mạng rầm rộ?
-
Những mẫu iPhone giá rẻ dưới 10 triệu đồng bạn có thể cân nhắc mua
-
Chia sẻ một số tips và các trang web hỗ trợ xử lí ảnh
-
Tò mò ông chủ Mixue: Thương hiệu bán kem và trà sữa bình dân, mở 600 cơ sở ở Việt Nam
-
ChatGPT sẽ xuất hiện trên Word, Powerpoint và tất cả sản phẩm của Microsoft, thay đổi hoàn toàn cuộc chơi trước Google
-
Năm mão cùng xem linh vật mèo khắp cả nước như thế nào
-
Cách Sở Hữu Hình Ảnh Website Nền (Background) Chất Lượng Nhưng Vẫn Tối Ưu Thời Gian Tải
-
Tìm kiếm của Google sẽ ra mắt các tính năng chatbot trong năm nay
-
Top 11 xu hướng thiết kế website năm 2022 – 2023 được quan tâm nhất
-
Đón đầu Những xu hướng công nghệ nổi bật trong 2023
-
Kích thước ảnh chuẩn trên website
-
Thuê ô tô tự lái bắc ninh giá rẻ – Dịch vụ thuê xe tự lái Bắc Ninh
-
Cận Tết Nguyên đán, giá thuê xe ô tô tự lái cao ‘cắt cổ’ vẫn cháy hàng
-
Giáp Tết, dịch vụ thuê xe tự lái “cháy hàng”
-
Dịch vụ thuê xe tự lái: Cháy hàng, giá tăng gấp đôi ngày thường
-
Bất lợi tranh chấpNước Anh có quyền tài phán trong vụ việc Peppa Pig – Wolfoo