Điện Kremlin cho hay Nga chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine nếu nước này đối mặt “mối đe dọa sống còn”.
“Chúng tôi đã công bố khái niệm về an ninh nội địa, trong đó quy định mọi lý do sử dụng vũ khí hạt nhân”, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov trả lời phỏng vấnCNNhôm 22/3. “Do đó, nếu xuất hiện mối đe dọa sống còn với đất nước chúng tôi, thì vũ khí hạt nhân có thể được sử dụng theo khái niệm đó”.
Tuyên bố được Peskov đưa ra khi phóng viên Christiane Amanpour liên tục hỏi ông “có tin rằng” Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, Peskov không nói rõ “mối đe dọa sống còn” với Nga trong bối cảnh này là gì.
Người phát ngôn Điện Kremin Dmitry Peskov tại cuộc họp báo định kỳ cuối năm của Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 23/12/2021. Ảnh:Reuters.
Vài ngày sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Tổng thống Putin hôm 28/2 tuyên bố đặt các lực lượng hạt nhân chiến lược trong tình trạng báo động cao, làm dấy lên lo ngại toàn cầu về nguy cơ nổ ra chiến tranh hạt nhân.
Khi được hỏi về phát biểu của Peskov cũng như lập trường hạt nhân của Nga, phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby nhận định cách giải thích của Moskva về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân là “nguy hiểm”.
“Đây không phải là cách hành xử của một cường quốc hạt nhân có trách nhiệm”, ông nói. Tuy nhiên, Kirby nhấn mạnh Lầu Năm Góc “chưa thấy bất kỳ điều gì có thể đi đến kết luận rằng cần phải thay đổi trạng thái răn đe chiến lược”.
Nga sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới với khoảng 6.000 đầu đạn hạt nhân và kho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) khổng lồ. Giới chức quốc phòng phương Tây cho biết sau tuyên bố hồi tháng 2 của Tổng thống Putin, họ không phát hiện dấu hiệu cho thấy Nga có động thái triển khai lực lượng hạt nhân, bao gồm máy bay ném bom chiến lược, tên lửa và tàu ngầm.
Kho vũ khí hạt nhân của các nước trên thế giới đến năm 2021. Bấm vào ảnh để xem chi tiết.
Tuy nhiên, Moskva cũng cảnh báo nếu Mỹ và các đồng minh NATO cung cấp chiến đấu cơ cho Ukraine, Nga có thể leo thang và mở rộng chiến sự, dẫn đến nguy cơ đối đầu trực tiếp với phương Tây.
Khi được hỏi thêm về chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, Peskov cho biết Nga không có ý định chiếm đóng nước láng giềng, khẳng định lực lượng Nga không tấn công dân thường và nhấn mạnh mục tiêu chính của chiến dịch là loại bỏ mối đe dọa quân sự tiềm tàng tại Ukraine.
“Đó là lý do quân đội chúng tôi chỉ nhằm vào các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Ukraine, không phải cơ sở hạ tầng dân sự”, ông nói.
Xung đột tại Ukraine dường như chưa có dấu hiệu hạ nhiệt sau gần một tháng Nga mở chiến dịch quân sự. Nga đã kiểm soát thành phố Kherson ở miền nam, trong khi tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch bao vây nhiều thành phố lớn khác, trong đó có thủ đô Kiev. Các vùng ven thủ đô Ukraine đang chứng kiến giao tranh quyết liệt.
Nga và Ukraine đã tiến hành nhiều vòng đàm phán kể từ khi nổ ra xung đột, song chỉ thống nhất được về vấn đề lập hành lang sơ tán dân thường, không đạt được đột phá về lệnh ngừng bắn.
Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn (UNHCR) cho biết gần 3,6 triệu người Ukraine đã sơ tán sang các nước láng giềng từ khi chiến sự bùng phát, nhấn mạnh quy mô khủng hoảng hiện nay “vượt xa mọi kịch bản tồi tệ nhất từng được xem xét”. Tổng cộng hơn 10 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa.
Chính sách an ninh của Nga quy định nước này sẽ chỉ dùng vũ khí hạt nhân khi sự tồn vong bị đe dọa, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov trả lời CNN hôm 22/3.
“Chúng tôi có khái niệm về an ninh nội địa. Thông tin về khái niệm này được công khai và bạn có thể tìm đọc để biết những trường hợp cho phép dùng vũ khí hạt nhân. Nếu là mối đe dọa tồn vong với nước Nga, vũ khí hạt nhân có thể được dùng trong trường hợp ấy”, ông Peskov nói.
“Trong văn bản ấy không đề cập tới điều kiện (sử dụng vũ khí hạt nhân) nào khác”, ông Peskov bổ sung.
Trước đó, các nước phương Tây đã bày tỏ lo ngại xung đột tại Ukraine có thể leo thang thành chiến tranh hạt nhân.
Tháng 2, ông Putin từng ra lệnh cho quân đội đặt lực lượng hạt nhân nước này vào trạng thái cảnh giác cao độ.
Hôm 14/3, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho rằng “viễn cảnh xung đột hạt nhân từng là điều không thể tưởng tượng được, nay lại trở thành điều có thể xảy ra”.
Sau gần một tháng giao tranh, Ukraine và Nga đã trải qua 4 vòng đàm phán hòa bình. TheoTASS, vòng đàm phán đầu tiên kéo dài 5 tiếng vào ngày 28/2, vòng thứ hai vào ngày 3/3, vòng thứ 3 vào ngày 7/3.
Vòng đàm phán trực tuyến lần thứ tư bắt đầu từ ngày 14/3 đến nay chưa có kết quả, dù hai bên từng có thời điểm cho thấy tín hiệu lạc quan.