Huyện Quế Võ tập trung đầu tư xây dựng để trở thành thị xã theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025
Quế Võ đã triển khai tốt công tác giải phóng mặt bằng một số dự án và lập quy hoạch phát triển các Cụm công nghiệp. Thương mại, dịch vụ có bước tiến bộ, phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, bảo đảm lưu thông hàng hoá phục vụ tốt nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân. Đô thị Phố Mới mở rộng (đô thị Quế Võ) hiện đã đạt đô thị loại IV.
Trong quá trình phát triển, huyện Quế Võ xác định công nghiệp vẫn là động lực chính phát triển kinh tế. Giá trị sản xuất khu vực công nghiệp – xây dựng đạt mức tăng trưởng cao, bình quân tăng 15,2%, góp phần quyết định đến xu hướng tăng trưởng kinh tế của huyện. Hoạt động thương mại, dịch vụ đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng xã hội, đẩy mạnh kết nối thương mại giữa thành thị với nông thôn, giữa huyện Quế Võ với các vùng lân cận. Các làng nghề truyền thống từng bước được đầu tư, đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất gắn với thị trường, nâng cao sức cạnh tranh và thương hiệu sản phẩm. Cụ thể, kinh tế tăng trưởng nhanh, tăng bình quân 11,5%/năm. Tổng giá trị tăng bình quân người/năm ước đạt 3.041 USD năm 2021; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ (công nghiệp – xây dựng chiếm 61,4%; dịch vụ chiếm 32,0%; nông, lâm nghiệp và thủy sản là 6,6%), tỷ lệ hộ nghèo còn 1,51%; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Bức tranh Giáo dục Quế Võ được khái quát: Vào năm học 2021-2022, toàn huyện có 65 trường công lập, gồm 21 trường Mầm non, 22 trường Tiểu học, 22 trường THCS và 30 cơ sở giáo dục Mầm non ngoài công lập, với tổng số hơn 41 nghìn trẻ, học sinh các cấp. Ngành Giáo dục huyện có 2.240 cán bộ quản lý, giáo viên trong đó hơn 90% đạt chuẩn và trên chuẩn theo Luật Giáo dục 2019. Về cơ sở vật chất trường học, 100% các trường đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia trong đó 13 trường Mầm non, 17 trường Tiểu học được công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức 2. ề cơ sở vật chất trường học, mặc dù 100% các trường đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia, nhưng do dân số (phần đông là dân cơ học) tăng nhanh kéo theo số học sinh các cấp cũng tăng nhanh, nhiều trường quá tải về số lớp và số học sinh/lớp dẫn đến thiếu phòng phải học nhờ. Trong khi đó, cơ sở vật chất nhiều trường học vừa thiếu lại xuống cấp, chưa được đầu tư kịp thời do vậy nếu kiểm tra công nhận lại (theo quy trình 5 năm/lần) sẽ không đủ các tiêu chí trường chuẩn Quốc gia. Điển hình như: Mầm non và Tiểu học Bằng An, Tiểu học Bồng Lai, Tiểu học Phương Liễu…
Một trong những nội dung đổi mới của Trung tâm Y tế huyện Quế Võ là nâng cao chất lượng cấp cứu, khám, điều trị chăm sóc người bệnh đồng thời thay đổi nhận thức, hành vi và tác phong làm việc của đội ngũ thầy thuốc, cán bộ hướng tới sự hài lòng của bệnh nhân. Tại đơn vị, các khoa, phòng được bố trí hợp lý. Khuôn viên lối vào khám bệnh sạch sẽ, có bố trí cán bộ hướng dẫn từng khu vực. Tại các buồng bệnh, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, vệ sinh được chú trọng. Cùng với đó, việc chẩn đoán bệnh, kê đơn thuốc của bác sĩ đều được số hoá, cập nhật theo quy trình chuẩn, ứng dụng phần mềm lấy số tự động tại khu tiếp đón… Nhờ đó, thủ tục khám, chữa bệnh và thanh toán nhanh hơn, giảm được thời gian chờ đợi cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Mặt khác, các dữ liệu của bệnh nhân trong tất cả các lần khám bệnh đều được lưu lại vào hệ thống. Các dữ liệu này sẽ làm căn cứ để các bác sĩ có thể kiểm tra và theo dõi lịch sử bệnh tình của bệnh nhân một cách thuận tiện, giản tiện cho công tác sao lưu bệnh án, nghiên cứu khoa học. Trung tâm cũng thực hiện nghiêm túc việc niêm yết công khai hướng dẫn quy trình khám bệnh, bảng giá viện phí để người dân nắm bắt. Những điều này đã gây thiện cảm cho nhân dân khi đến thực hiện các dịch vụ khám chữa bệnh.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đặng Văn Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Quế Võ cho biết: “Quế Võ là một trong những địa phương có nhiều lợi thế về đất đai, hạ tầng giao thông và vị trí địa kinh tế thuận lợi gắn với các định hướng chiến lược của tỉnh và vùng Thủ đô. Nhờ vậy, huyện có sức thu hút đầu tư mạnh mẽ, đặc biệt là công nghiệp, tạo tiền đề thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội. Trong những năm qua, thực hiện chủ trương xây dựng huyện Quế Võ trở thành đô thị loại IV, đô thị vệ tinh của thành phố Bắc Ninh tiến tới trở thành thị xã, Huyện tập trung xây dựng đô thị theo quy hoạch, hệ thống cơ sở hạ tầng từng bước được cải thiện. Hệ thống đường giao thông, nhất là đường trục các xã, thị trấn đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp tiệm cận theo tiêu chí đô thị. Trên những điều kiện và thành tựu đạt được các lĩnh vực, huyện Quế Võ phấn đấu vươn lên để sớm trở thành thị xã văn minh, giàu đẹp của tỉnh Bắc Ninh.”
Thời gian tới, để tiếp tục lộ trình phát triển đô thị, huyện tập trung phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, sản phẩm cạnh tranh trên thị trường quốc tế, nhất là công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho các ngành công nghiệp chủ lực, tạo giá trị gia tăng cao như ngành điện tử, viễn thông, cơ điện tử, hóa dược, gắn với sự phát
triển công nghiệp của vùng Thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và các hành lang kinh tế quốc tế. Huyện tiếp tục đầu tư, thu hút đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực dự kiến thành lập thị xã Quế Võ, nhất là khu vực nội thị (dự kiến) gồm thị trấn Phố Mới và 10 xã Việt Hùng, Bằng An, Phượng Mao, Phương Liễu, Đại Xuân, Nhân Hòa, Quế Tân, Phù Lương, Bồng Lai, Cách Bi.
(Theo PLVN)