Sau khi ngon ngọt, lên gân không được, sếp quay qua làm khó tôi bằng cách tuyên bố sẽ cắt toàn bộ thưởng Tết nếu vẫn kiên quyết nghỉ việc.
Độc bài viết “Nỗi oan nghỉ việc sau khi nhận thưởng Tết”, tôi rất đồng cảm với tác giảĐô TT. Bản thân tôi cũng từng là người nghỉ việc vào khoảng thời gian cận Tết nên rất hiểu vấn đề này. Thực tế, trong mối quan hệ giữa người lao động và chủ doanh nghiệp (người sử dụng lao động) ở ta luôn có sự phân cấp rất rõ ràng. Ở đó, người lao động luôn rơi vào thế yếu, điều đó thể hiện rất rõ trong cách chúng ta hay nói với nhau: xin việc, xin nghỉ việc… Từ đó, vô tình, chúng ta mặc định cho mối quan hệ này theo kiểu xin – cho chứ không phải hợp tác đôi bên cùng có lợi. Thế nên, không khó hiểu hiểu hầu hết các chủ doanh nghiệp đều nghĩ mình có toàn quyền quyết định, trong khi tâm lý chung của người lao động là phụ thuộc và chịu thiệt thòi.
Nói về câu chuyện của tôi, công ty cũ mà tôi làm việc cũng hoạt động theo kiểu ấy. Sếp cũ của tôi thuộc tuýp người thích chỉ đạo, muốn nhân viên phải răm rắp nghe lời, phục tùng tuyệt đối. Thế nên, mọi chính sách liên quan đến lương, thưởng cũng bị làm rất gắt gao. Chúng tôi luôn phải hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ để được nhận đủ lương theo hợp đồng. Thậm chí, chuyện phải ở lại làm ngoài giờ cho kịp tiến độ cũng chẳng phải ít, nhưng cũng không ai được nhận thêm đồng phụ cấp nào. Ngược lại, nếu không đảm bảo công việc (dù quá tải), tất cả sẽ bị trừ lương, cắt thưởng. Vậy là đám nhân viên chúng tôi buộc phải lao đầu vào làm việc.
Cũng chính bởi môi trường làm việc không tốt đó, nhiều anh em nhân viên chúng tôi dần nản vì đuối sức. Cuối năm đó, ba người đầu tiên lần lượt xin nghỉ việc sau khi nhận đủ thưởng Tết. Khỏi phải nói, điều đó khiến sếp tôi giận sôi máu. Và mọi thứ bắt đầu mệt mỏi hơn ở những năm tiếp theo. Sếp ra thông báo chia thưởng Tết làm hai phần: một phần trả trước Tết như mọi năm, phần khác ra Tết mới được nhận, như một cách để giữ chân nhân viên sau Tết, ngăn tình trạng ồ ạt nghỉ việc vào thời điểm này. Nhân viên chúng tôi đương nhiên chẳng vui vẻ gì.
Tất nhiên, làm cả năm trời mệt nhọc, cuối năm được một khoản thưởng như đền bù cho công sức đã bỏ ra, ai mà không tiếc, nên phần lớn nhân viên vẫn cố bám trụ lại để nhận hết thưởng. Riêng tôi không thể chịu đựng được cảnh đó nên nhất quyết nộp đơn nghỉ việc trước Tết, chấp nhận mất một phần tiền thưởng để được giải thoát, tìm kiếm công việc khác tốt hơn (dẫu sao lúc này cũng là thời điểm nhiều nơi tuyển dụng nhân sự mới nên không thiếu cơ hội).
>> Nỗi oan nghỉ việc sau khi nhận thưởng Tết
Thế nhưng, ngày tôi mang lá đơn nghỉ việc đến gặp sếp, tôi chỉ nhận lại được thái độ khó chịu. Sau một hồi ngon ngọt rồi lên gân không được, sếp tôi quay qua làm khó tôi bằng cách tuyên bố sẽ cắt toàn bộ thưởng Tết của tôi năm đó nếu vẫn kiên quyết nghỉ việc. Lý do là bởi tiền thưởng này chỉ dành cho những người trung thành, gắn bó với công ty, còn những ai rời bỏ lúc này sẽ không được. Nghe đến đây, tôi càng thấy quyết định nghỉ việc của mình là đúng đắn. 12 tháng nỗ lực vừa qua, tôi chấp nhận mất trắng không nhận được một đồng tiền thưởng nào, và dứt áo ra đi.
Không lâu sau đó, tôi tìm được công việc mới tốt hơn, chế độ đãi ngộ hậu hĩnh hơn, môi trường làm việc tích cực hơn, nên cũng chẳng còn bận tâm quá nhiều về công ty cũ. Nhưng nói lại để thấy, vẫn còn rất nhiều chủ doanh nghiệp ở ta giữ tư tưởng quản lý rất sai lầm. Họ nghĩ rằng mình thuê nhân viên là có quyền sử dụng họ như nô lệ. Trong khi thực tế, trong hợp tác lao động, đây chỉ là mối quan hệ mua bán sòng phẳng.
Anh bỏ tiền thuê tôi tức là mua sức lao động, còn tôi nhận tiền để làm việc cho anh tức là bán sức lao động. Hai bên có quyền trả giá từ đầu trong hợp đồng thỏa thuận lương nên không ai nợ ai thứ gì. Nếu chủ doanh nghiệp có quyền sa thải nhân viên khi không đáp ứng được yêu cầu công việc thì nhân viên cũng có quyền nghỉ việc khi không nhận được chế độ đãi ngộ xứng đáng. Đó là quy luật tất yếu của thị trường.
Chính những người quản lý nhân sự thiếu tầm nhìn như vậy là lý do khiến nhiều người lao động xin nghỉ việc ngay sau khi nhận thưởng Tết. Họ sợ bị doanh nghiệp cắt mất khoản tiền mà mình xứng đáng nhận được sau một năm cống hiến. Âu cũng là bần cùng bất đắc dĩ mới phải làm vậy. Vì thế xin đừng hướng sự chỉ trích lên đầu những người nghỉ việc. Hãy thử hỏi doanh nghiệp đã đối xử với nhân viên thế nào để đến mức họ làm thế? Nếu muốn giữ chân người tài, xin đừng lấy thưởng Tết ra làm cái cớ.