Mùa hoa súng An Giang cùng hẹn ngày gặp mặt

Hoa (bông) súng là một đặc sản không thể thiếu của vùng đồng bằng sông Cửu Long mỗi mùa nước nổi. Thu hoạch hoa súng vốn là sinh kế, là hoạt động rất đỗi bình thường của cư dân sông nước, song cũng trở nên vô cùng đẹp và nên thơ trong mắt lữ khách, mời gọi biết bao bước chân bốn phương tìm về…

Tôi có dịp đồng hành với một nhóm nhiếp ảnh gia trong chuyến đi tìm cảm hứng sáng tác ở làng nổi Châu Ðốc (An Giang). Mấy năm gần đây, lũ thường về muộn, nhưng An Giang vẫn là một trong những nơi đón con nước đầu tiên. Không tàn phá như mưa lũ ở miền bắc hay miền trung, lũ ở miền tây mang về biển nước tràn đồng khô với phù sa màu mỡ, tôm cá sinh sôi, đồng nghĩa với một mùa ấm no cho bà con nhiều tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Làng nổi kéo dài vài cây số trên đoạn sông Hậu từ TP Châu Ðốc qua cầu Cồn Tiên, trên mặt nước mênh mang lấp loáng là những chiếc nhà bè đặc trưng vùng sông nước. Mùa nước nổi, quanh khu vực này, cả hoa súng mọc dại lẫn hoa súng người dân trồng đều nở rộ, khoe sắc lung linh trên khắp dòng sông, trong đầm lầy hay ao hồ sát cạnh những ruộng lúa. Bình minh là thời điểm lý tưởng để đi “săn” hoa súng, bởi đến trưa ánh nắng chói chang sẽ làm hoa rũ xuống. Từ tinh mơ, những chiếc xuồng đủ kích cỡ đã lướt đầy mặt sông, đưa người đi hái hoa, người đi ngắm cảnh. Còn gì thi vị hơn lênh đênh theo dòng nước êm đềm, hít hà không khí trong lành thoang thoảng hương hoa thơm và chuyện trò với những người dân bản địa thân thiện, biết thêm bao nhiêu điều mới mẻ.

Có ba sắc mầu hoa súng thường gặp: tím rực rỡ, hồng dịu dàng và trắng tinh khôi. Trong đó hoa trắng là loại mọc tự nhiên. Hoa súng trồng cũng không hề khó, cứ vùi thân, rễ xuống đất sâu, mầm sống ấy ẩn mình chờ nước về là lập tức lớn bổng. Nước dâng cao tới đâu, súng dài theo tới đó, chẳng mấy chốc mà nhuộm hồng cả một vùng trời. Người đi thu hái hoa súng đa phần là phụ nữ. Nhìn các bà, các chị mặc áo bà ba, đội nón lá ngâm mình trong nước để nhổ bông lên, giũ sạch bùn đất, rồi rôm rả nói cười với nhau, sao mà đẹp, sao mà dung dị đến thế. Cứ đôi chục cọng súng là họ buộc thành khoanh tròn, chất lên xuồng. Khi mấy tay máy ngỏ ý muốn xin chụp ảnh, các thôn nữ miền tây bảo nhau trải hoa súng lên mặt nước, tạo nhiều hình dáng đẹp mắt. Ngại ngùng thoáng qua một chút thôi, rồi họ vừa “diễn”, vừa làm công việc của mình một cách nhanh nhẹn, khéo léo.

Hoa súng hái về sẽ theo thương lái tỏa đi khắp các khu chợ lớn nhỏ. Không chỉ để trưng cho đẹp, đấy còn là nguyên liệu để chế biến vô số món ăn ngon lành và chỉ miền tây mùa nước nổi mới có, như bông súng mắm kho, bóp gỏi, làm dưa muối, lẩu cá linh, lẩu cá kèo, các loại canh chua… Thân súng mảnh nhưng mọng nước, giòn và có vị ngọt rất riêng. Chỉ mấy ngày lưu lại không kịp để thưởng thức hết, nên chúng tôi đều bảo nhau nhất định sẽ trở lại vào những mùa nước sau. Chuyến đi thành công mỹ mãn không chỉ bởi những tấm ảnh mang về, mà hơn thếlà những ký ức thân thương về một vùng sông nước dân dã, hiền hòa.

HẢI LÂM

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *