Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ với cuộc sống khó khăn của cầu thủ nữ khi lương tháng chỉ được 5 triệu đồng, phải làm thêm nhiều nghề phụ.
Chiều 10/2, tại trụ sở Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt đội tuyển nữ Việt Nam. “Các cầu thủ đã thể hiện tài năng, trí tuệ, phẩm chất, ý chí, bản lĩnh của người Việt Nam. Chiến thắng của đội tuyển bóng đá nam và nữ thời gian qua như món quà lì xì đầu năm mới, lan tỏa năng lượng tích cực đến người hâm mộ cả nước”, Thủ tướng nói, gọi đội tuyển nữ là “những cô gái kim cương” của thể thao Việt Nam.
Thủ tướng chia sẻ khó khăn với các cầu thủ nữ, đầu tiên là phải vượt qua định kiến nghề nghiệp “quần đùi áo số”. “Tôi biết nhiều em rất khó khăn để thuyết phục cha mẹ và vượt qua định kiến xã hội. Nếu không bản lĩnh, đam mê, ý chí cháy bỏng thì chắc chắn các em không thể gắn bó với bóng đá”, ông nói.
Theo đuổi nghiệp thể thao, các cầu thủ phải đối mặt với nhiều vất vả, đồng lương eo hẹp, thậm chí không đủ trang trải cuộc sống. Có người chỉ nhận lương cơ bản 5 triệu đồng, thậm chí thấp hơn, phải làm thêm nghề phụ để duy trì đam mê. Nhiều người cống hiến cả tuổi trẻ cho bóng đá, sau trở về cuộc sống đời thường vẫn phải đối mặt với nhiều lo toan do không có việc làm, thu nhập bấp bênh từ làm ruộng, kinh doanh nhỏ lẻ…
Để khắc phục tình trạng trên, Thủ tướng đề nghị các đơn vị phải thấu hiểu, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các cầu thủ, “để làm sao sau khi lá cờ Tổ quốc được kéo lên tôn vinh các vận động viên suất sắc thì cuộc sống của họ được đảm bảo, nhất là sau khi giải nghệ”. Bộ Tài chính nghiên cứu lập Quỹ bóng đá nữ, với cơ chế minh bạch, tạo nguồn lực phát triển bóng đá nữ Việt Nam.
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, huấn luyện viên trưởngMai Đức Chungchia sẻ rất vui mừng vì thành tích của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đã góp phần vào không khí vui mừng của cả nước dịp Tết này.
Tham dự giải vô địch châu Á, đội tuyển đối mặt với rất nhiều khó khăn. Trước đó, trong thời gian tập luyện tại Tây Ban Nha, có đến 2/3 cầu thủ bị mắc Covid-19. “Các thành viên Ban huấn luyện tỏa đi khắp siêu thị để mua tỏi, gừng, nước muối mang về cho cầu thủ chữa trị, với mong muốn làm sao các em sớm khỏi Covid-19 nhanh nhất”, ông Chung kể lại.
Đến lúc sang Ấn Độ dự giải vô địch nữ châu Á, đội tuyển chỉ còn lại 6 cầu thủ, sau đó lại tiếp tục có người bị mắc Covid. “Có những lúc tôi rất chán nản. Tôi ngồi suy nghĩ rất nhiều để lên phương án tập luyện cho 3 cầu thủ chưa bị nhiễm. Thời gian ấy, chúng tôi cũng rất mong ngóng các cầu thủ từ Tây Ban Nha sớm khỏi bệnh để về hội quân cùng đội tuyển, bởi theo quy định của giải đấu, nếu đội tuyển không đủ 13 cầu thủ sẽ bị loại”, vị chiến lược gia 71 tuổi nói.
May mắn khi sát ngày thi đấu thì 16 cầu thủ đã kịp khỏi bệnh, bay sang Ấn Độ. Tuy nhiên, bước vào giải đấu, nhiều khó khăn lại đến như thời tiết nắng nóng, gặp ngay đối thủ mạnh từ những vòng đầu…
“Trước trận quyết định tấm vé dự World Cup 2023 với Đài Loan, tôi nói với các cầu thủ cứ đá thoải mái, hết mình. Chiến thắng là của các bạn, còn nếu thua, tôi chịu trách nhiệm”, huấn luyện viên Mai Đức Chung nhớ lại và khẳng định hành trình vừa qua là “lịch sử có một không hai” trong sự nghiệp cầm quân của mình. Ông Chung “hứa sẽ tiếp tục tập luyện để có nhiều thành tích hơn nữa”.
Cầu thủ Huỳnh Như, Đội trưởng Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam chia sẻ “hành trình vừa qua còn ly kỳ hơn cả những bộ phim Hollywood”. “Đội bóng với tôi là gia đình. Đây cũng là điều làm nên chiến thắng của đội tuyển”, Huỳnh Như nói.
Tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trao huân chương Lao động hạng nhất của Chủ tịch nước cho đội tuyển nữ Việt Nam và huấn luyện viên Mai Đức Chung.
Cầu thủ Chương Thị Kiều, Huỳnh Như, Nguyễn Thị Tuyết Dung được tặng huân chương Lao động hạng nhì.
Các cầu thủ Thái Thị Thảo, Nguyễn Thị Bích Thùy, Trần Thị Kim Thanh, Phạm Hải Yến được tặng huân chương Lao động hạng ba.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đã trao 4,5 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa cho đội tuyển.