Loại cây mọc hoang dại trên các bụi rậm được ví như đặc sản rau rừng, song nhiều nông dân đã bỏ cả sào ruộng để trồng theo thời vụ, cung cấp ra thị trường như một loại rau ăn hàng ngày.
Người dân xã Hạ Bằng biết đến loại rau này hàng chục năm về trước, vì cây mọc hoang nên còn gọi là rau rừng, nếu không có kinh nghiệm sẽ rất dễ nhầm với cây dại khác. Trước kia, mỗi lần đi chăn trâu hay làm ruộng, bà con thường tiện hái một nắm rau to chuẩn bị cho bữa cơm tối.
Chị Hồng ở Hạ Bằng nhớ lại, khi còn nhỏ mỗi lần theo mẹ ra đồng chăn trâu, làm ruộng nương, chị được mẹ hướng dẫn nhận diện loại rau này để những lúc cần rau ăn có thể tự ra đồng hái về.
“Rau tầm tóp mọc rải rác, mỗi khi hái phải mất cả giờ đồng hồ lần tìm mới đủ cho gia đình ăn một bữa. Không những thế, loại rau này phát triển ngoài tự nhiên chậm, nên mỗi lần hái phải chờ đến 2-3 tuần mới được hái lại”, chị Hồng cho hay.
Giờ đây, rau tầm tóp không còn xa lạ với người dân nông dân xã Hạ Bằng và nhiều xã thuộc huyện Thạch Thất, thậm chí ngay cả người dân thành phố cũng biết đến. Chính vì thế, nhiều người có vườn rộng đã chuyển sang trồng tầm bóp để ăn hàng ngày hoặc làm quà cho người thành phố.
Sau lần về Thạch Thất cánh đây 2 năm, trong chuyến thăm người họ hàng, anh Hoàng Giang (ngụ Long Biên – Hà Nội) được người bác họ chiêu đãi món lẩu gà được nhúng với rau tầm tóp, ban đầu anh thấy rất lạ vì chưa nhìn thấy loại rau này bao giờ. Tuy nhiên khi bắt đầu ngồi vào ăn, anh rất tò mò gắp miếng rau đầu tiên cho vào miệng, anh ngỡ ngàng khi chưa bao giờ ăn món lẩu nào có vị rau khác lạ và ngon đến như vậy.
“Cảm giác hương vị đầu tiên làm tôi nhớ mãi, đặc biệt hơi có vị đắng, nhưng càng nhai miếng rau càng thấy ngọt. Thấy tôi thích, chiều về bác ra vườn hái một năm to về tôi xào với tỏi, ăn cũng rất tuyệt”, anh Giang cho hay.
Cẩn thận nhầm cây độc
Vẫn theo lời chị Hồng, vài năm trở lại đây, loại rau này được trồng rộng rãi ở các thửa ruộng của nhiều hộ nông dân trong xã Hạ Bằng. Để có năng suất cao, bà con bắt đầu gieo trồng từ sau Tết Nguyên đán, thu hoạch theo hình thức cuốn chiếu liên tục từ đó đến hết tháng 4 âm lịch.
“Thời gian chính vụ rau tầm bóp rơi vào đúng vụ lúa đông xuân, bà con trong thôn đã không ngại bỏ trồng lúa chuyển sang trồng tầm bóp cung cấp ra thị trường, thu về hàng triệu đồng mỗi vụ”, chị Hồng nói.
Bà Hoa, làm nghề nông tại xã Tân Xã, Thạch Thất (Hà Nội) cho hay, rau tầm bóp cũng được bán đầy chợ Tân Xã (cách xã Hạ Bằng 2km). Giờ tầm bóp trở thành món rau được ăn hàng ngày, có thể mua bất kỳ ở chợ nào trên địa bàn huyện, không còn là đặc sản hiếm ở Thạch Thất như trước.
“Một mớ tầm bóp được bán ngoài chợ có giá từ 5.000-7.000 đồng, mớ to từ 10.000 đồng trở lên. Rau được các nhà hàng đặt mua với số lượng lớn nên tầm bóp rất sẵn trong thực đơn của các nhà hàng, trong đó có món lẩu hay những món xào…”, bà Hoa kể.
Tuy nhiên, rau tầm bóp rất dễ bị nhầm với cây lu lu đực, cây thuộc họ cà, quả của cây hình tròn, mọc thành chùm, nhỏ như quả mồng tơi, có độc tố nhẹ. Vì cây có hình dáng thân và lá khá giống với cây tầm tóp nên nhiều người đã nhầm lẫn hái về ăn.
Đặc điểm của cây tầm bóp, ngoài hình thái cây và lá giống cây lulu, thì quả của cây tầm bóp mọng, nhẵn có hình tròn nhỏ như quả cà, bên ngoài được bao bọc một lớp vỏ mỏng như cái túi. Cây được nhiều người biết đến gần đây do quả của cây này được phơi khô được bày bán ở các siêu thị tại Nhật Bản, quy giá tiền Việt với giá 700.000 đồng/kg.
Theo Lương y Vũ Quốc Trung, tầm bóp trong đông y là cây thuốc có tác dụng chữa bệnh, lá cây tầm bóp dùng làm rau xanh ăn và quả có tác dụng thanh nhiệt tiêu đờm.
Cây tầm bóp vị đắng, tính mát, không độc. Rau tầm bóp có thể chế biến thành nhiều món ăn và đều mang đến hương vị rất lạ, hơi đắng nhưng thanh và mát. Vì tính mát của rau nên rau có hiệu quả rất tốt cho việc chữa trị các bệnh dạ dày, giải nhiệt và trị mụn nhọt, tốt cho sức khỏe.