Ma trận đổi tiền lẻ giá rẻ dịp tết cẩn thận bị lừa đảo

Đến hẹn lại lên vào mỗi dịp năm mới cận kề, thị trường đổi tiền lẻ, tiền mới càng trở nên nhộn nhịp trên mạng xã hội và được quảng cáo công khai trên các website…

Dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới đang hoạt động nhộn nhịp, công khai

Theo khảo sát, dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới đang hoạt động nhộn nhịp, công khai trên những trang web có tên gọi na ná nhau như “Đổi tiền mới”; “Đổi tiền lẻ giá rẻ”, “Shop tiền lì xì tết”…

Để chiêu dụ khách, hàng loạt lời quảng cáo được tung ra như: Tiền thật 100%, tiền nguyên cọc, nguyên seri, nói không với tiền lướt, giao hàng nhanh, đổi càng sớm phí càng rẻ. Không chỉ các website, nhiều fanpage, hội nhóm đổi tiền lẻ, tiền mới trên Facebook, Zalo… cũng xuất hiện với cả nghìn thành viên. Một quy tắc “bất di bất dịch” được đặt ra là khách phải tự nhắn tin hoặc gọi điện theo hướng dẫn, người bán chỉ đưa ra phần trăm phí đổi, không giao dịch trong nhóm.

Sau khi lựa chọn một vài “cửa hàng” dịch vụ đổi tiền, phóng viên liên hệ với số điện thoại 0989.887.xxx (hotline của trang mạng được quảng cáo chuyên đổi tiền mới, đổi tiền lẻ số lượng lớn), người quản lý fanpage “đổi tiền lẻ” này cho biết, tùy vào số lượng tiền đổi sẽ có mức phí đối với từng mệnh tiền khác nhau.

Cụ thể, đối với khách đổi lẻ, giá trị từ 10 triệu đồng trở xuống, sẽ có phí như: Đối với loại tiền mệnh giá 200 ngàn đồng có phí đổi là 5% trên tổng số tiền, loại tiền mệnh giá 100 ngàn đồng có phí đổi là 6%, loại tiền mệnh giá 50 ngàn đồng có phí đổi là 8%, 20 ngàn đồng phí đổi là 10%, 10 ngàn đồng phí đổi là 12-15%. Riêng đối với các loại tiền có mệnh giá từ 5 ngàn đồng trở xuống có phí từ 25-30% trên tổng số tiền.

Theo người quản lý trang fanpage này, nếu đổi buôn từ 10 triệu đồng trở lên sẽ được giảm phí từ 2-15% tùy từng mệnh giá tiền, riêng đối với những tờ tiền mệnh giá càng nhỏ phí sẽ càng đắt. Về thời gian nhận tiền, theo chủ fanpage này chỉ cần chốt đơn hàng và báo trước một ngày, số lượng bao nhiêu cũng có.

“Lân la” sang một địa chỉ Facebook khác được quảng cáo rầm rộ không kém về dịch vụ chuyên nghiệp, giá cả phải chăng khi đổi tiền lẻ, tiền mới dịp cuối năm. Qua trao đổi, chủ tài khoản cho biết: “Khách hàng muốn đổi số lượng tiền mới từ vài chục triệu đồng trở lên thì phải đặt cọc trước bằng hình thức chuyển khoản hoặc nộp card điện thoại một số tiền để làm tin”.

Nếu khách hàng đổi số lượng tiền lớn thì tính chênh lệch giá quy đổi là 10%. Tức muốn đổi được 10 triệu đồng tiền mới thì người muốn đổi phải bỏ ra 11 triệu đồng. Còn đổi với số lượng tiền ít từ 10 triệu đồng trở xuống tính giá lẻ là 15%. Mức chênh lệch trên được chủ tài khoản này đưa ra dành cho khách đổi các loại tiền mệnh giá hàng chục nghìn đồng (tức tiền đổi có mệnh giá 10, 20 và 50 ngàn đồng). Còn muốn đổi tiền mới có mệnh giá nhỏ hơn (hàng nghìn) thì tỷ lệ chênh lệch có khi lên đến 30%.

Không chỉ tiền Việt, các loại tiền nước ngoài cũng được trao đổi rầm rộ trên chợ mạng. Trong đó, được quan tâm nhất là tờ 2 USD. Tiền mới nguyên thếp, liền seri giá 180 ngàn đồng tờ, loại mới 90% giá 150 ngàn đồng. Các tờ seri đẹp lên đến tiền triệu. Người bán thoải mái giao dịch, khẳng định có sẵn lượng lớn.

Khách hàng đổi tiền lẻ, tiền mới qua mạng tiềm ẩn nguy cơ lừa đảo rất cao

Tuy vậy, đổi tiền lẻ, tiền mới qua mạng tiềm ẩn nguy cơ lừa đảo rất cao bởi nhiều trang web đổi tiền không có địa chỉ rõ ràng và thường yêu cầu khách chuyển khoản trước nên không ít người đã bị “bùng” tiền khi chưa nhận được tiền mới, tiền lẻ. Đa phần thường bị rút ruột, hoặc tráo tiền giả vào…

Đã có những bị hại khi trao đổi về % phí đổi tiền rất nhỏ, song đến khi nhận tiền thì phát hiện bị tính đến mấy chục phần trăm mà vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Chị Hoàng Lan (trú tại quận Long Biên, Hà Nội) là một trong những bị hại kể lại.

Do có nhu cầu đổi tiền các mệnh giá 100 ngàn và 200 ngàn đồng để mừng tuổi vào dịp Tết nên chị đã vào nhóm “Doi tien…” trên mạng xã hội Facebook tìm hiểu. Sau khi chat với chủ tài khoản “Thich Mua”, chị Lan được nickname này cho biết tỷ lệ là 5%. Thấy giá cả khá cạnh tranh (bình thường là 7-8%) chị Lan đã đồng ý. Đối tượng hẹn chị Lan tại một bến xe bus và tiến hành giao dịch.

Hai đối tượng đi xe máy đến, ôm một túi vải đựng nhiều loại tiền khác nhau. Sau khi cầm ra một vài cọc, đối tượng yêu cầu chị Lan phải chuyển khoản trước. Không chút nghi ngờ, chị Lan thao tác trên điện thoại để chuyển khoản cho các đối tượng. Khi thấy tiền đã về tài khoản, một đối tượng đưa cho chị một cọc tiền 100 ngàn đồng và một cọc 200 ngàn đồng rồi lên xe phóng vụt đi. Giật mình đếm lại, chị Lan mới phát hiện đối tượng đã rút ruột tổng cộng 3 triệu đồng. Hơn nữa, trong số 50 tờ 200 ngàn đồng thì chị còn phát hiện mấy tờ tiền giả.

Theo một điều tra viên Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội, nếu như các đối tượng trên mạng xã hội thường có thủ đoạn ôm cọc bỏ trốn, tráo tiền giả, hoặc “rút lõi” trong cọc tiền thì lại có những đối tượng lợi dụng sự tin tưởng của người thân, đồng nghiệp để chiếm đoạt số tiền rất lớn. Một trong số đó là Nguyễn Ngọc Kiên (SN 1995, cựu nhân viên một ngân hàng có chi nhánh trên phố Liễu Giai, phường Cống Vị, quận Ba Đình).

Dịp Tết Nguyên đán năm Tân Sửu, Kiên khoe với người thân, bạn bè rằng có mối đổi tiền mới các mệnh giá 10 ngàn đồng đến 100 ngàn đồng… miễn phí. Tin lời Kiên, đã có nhiều người chuyển tiền nhờ Kiên đổi giúp. Kiên thông báo, ai có nhu cầu thì sẽ chuyển tiền trước vào tài khoản của Kiên để đổi hộ (không mất phí đổi). Kiên hứa hẹn sau từ 2 đến 7 ngày sẽ đổi được tiền mới cho mọi người.

Đến ngày hẹn, khi bạn bè, đồng nghiệp nhiều lần đòi tiền thì Kiên vào mạng Internet tìm người đổi tiền để đổi (Kiên chịu mất phí). Sau đó Kiên sẽ trả lại đồng nghiệp một phần tiền đổi. Thấy Kiên đổi được thật, nhiều bạn bè, đồng nghiệp khác tin tưởng Kiên và tiếp tục chuyển tiền cho anh ta.

Chỉ trong vòng hơn một tháng, Kiên đã chiếm đoạt của gần 20 bị hại với tổng số tiền hơn 4,3 tỷ đồng. Số tiền này đã được anh ta ném vào sàn giao dịch Wefinex trên mạng Internet và chi tiêu cá nhân hết.

Theo cơ quan chức năng, hiện nay trên chợ mạng, dịch vụ đổi tiền nhộn nhịp, xuất hiện nhiều chiêu trò, mánh khóe lừa đảo. Trong các hội nhóm hàng mua bán tiền trên mạng xã hội, một số người bức xúc tố cáo chiêu trò đổi tiền bịp bợm. Viện cớ xả hàng, cần tiền nên thanh lý giá rẻ, giới buôn ảo dễ dàng đưa người mua vào bẫy, yêu cầu đặt cọc rồi biến mất.

Trường hợp khác, người bán phá luật, rút lõi tiền giao khách. Số tiền người mua nhận về không còn nguyên vẹn, thiếu tờ seri đẹp dù cam kết nguyên thếp. Giao dịch trên mạng ảo, khách mua “vỡ mộng” không biết kêu ai, ngậm ngùi tố cáo khi kẻ lừa đảo đã cao chạy xa bay. Mọi dấu tích, tài khoản mạng xã hội đều biến mất.

Related Posts

Kinh Bắc News

Kinh Bắc Web Blog’s chuyên cập nhật chia sẻ thông tin kiến thức kinh nghiệm thiết kế và nhiều nội dung hấp dẫn. Theo dõi chúng tôi để cập nhật thêm nhiều kiến thức thông tin thú vị nhé. Website: kinhbacweb.com | tinhocbacninh.biz.vn | tinhdautamngoc.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *