Hầu hết mọi cuộc phỏng vấn luôn có một số mẫu câu hỏi “kinh điển” cho dù bạn ứng tuyển lĩnh vực nào đi chẳng nữa. Những câu hỏi xưa cũ này lại là cơ hội tốt để bạn thể hiện thế mạnh của mình đấy. Vì vậy, đừng lơ là hãy trả lời thật hoàn hảo và chiến lược nhất có thể nhé.
1. Hãy giới thiệu về bản thân
Thoạt nhìn, câu hỏi này có vẻ dễ trả lời, nhưng bạn cần dùng “la bàn” để câu trả lời đi đúng hướng.
Hãy bắt đầu bằng cách sử dụng 3-5 tính từ mạnh mô tả về bạn trong công việc thể hiện được giá trị bản thân. Sau đó đưa ra các ví dụ thực tế về cách bạn thể hiện các tính từ. Bạn cũng có thể đề cập đến sở thích hoặc mối quan tâm trong phần giải thích của mình, nhưng hãy đảm bảo chúng có liên quan đến công việc.
2. Hãy nói về một thử thách hoặc mâu thuẫn nào đó bạn đã đối mặt và cách bạn vượt qua chúng
Chắc chắn nhà tuyển dụng nào cũng muốn biết cách bạn phản ứng khi có áp lực và cách bạn giải quyết xung đột.
Hầu hết mọi người đều có vấn đề nào đó mà họ cảm thấy không được như ý tại nơi làm việc. Bạn có thể đề cập đến một trong những trải nghiệm này nếu bạn cảm thấy nó phù hợp – để giúp câu trả lời của bạn trở nên có tính thuyết phục hơn. Bạn cũng có thể sử dụng một ví dụ không xảy ra trong văn phòng.
Quan trọng nhất là tập trung mô tả giải pháp, cách bạn giải quyết vấn đề, tuyệt đối không được sa đà vào việc mô tả vấn đề và đặt quá nhiều cảm xúc tiêu cực khi kể về nó.
Bạn cũng có thể chọn một sự việc mà bạn cảm thấy thất vọng nhưng đã vượt qua được sự xáo trộn cảm xúc hoặc một lợi ích mà bạn phải hy sinh để đảm bảo chất lượng đầu ra của công việc. Câu hỏi này nhằm giúp người phỏng vấn xác định xem bạn có thẳng thắn, điềm tĩnh và sẵn sàng thỏa hiệp hay không.
3. Thành tựu cá nhân lớn nhất của bạn là gì?
Chọn một hoặc nhiều nhất là hai thành tựu. Hãy điềm tĩnh ngay cả khi bạn đã đạt được rất nhiều thành tích. Điều mang tính quyết định là cách mà bạn trình bày thành tựu đó thật ấn tượng, không nên liệt kê một danh sách dài vô tận.
Bạn có thể chọn một điều gì đó hiếm hoi và ít người làm được, chắc chắn bạn không thể nói tốt nghiệp đại học là một thành tựu lớn lao. Chẳng hạn như tổ chức một đợt từ thiện cho các trại động vật địa phương, nơi bạn đã quyên góp được 10.000$. Bên cạnh đó, việc nêu ra một thành tích có tính định lượng là một phương pháp tuyệt vời, tuy nhiên đừng phóng đại nó.
4. Điểm mạnh/yếu nhất của bạn là gì?
Nhiều người có xu hướng không thích câu hỏi này, nhưng thực tế đây là cơ hội tốt để thể hiện bạn thực sự hiểu rõ bản thân mình như thế nào – điều này cực kì quan trọng với nhà tuyển dụng.
Mọi người thường gặp khó khăn trong việc làm thế nào để biến điểm yếu thành điểm tích cực bởi vì phải thừa nhận rằng bạn không nên nói với nhà tuyển dụng rằng bạn có nhiều thói quen xấu.
Giả sử bạn có xu hướng bị phân tâm. Bạn có thể nói với người phỏng vấn điều đó, nhưng hãy làm rõ những hành động bạn đã thực hiện để khắc phục. Đề cập rằng hiện tại bạn đã thực hiện một lịch trình thức dậy sớm, tập thể dục và dùng pomodoro trong công việc để cải thiện chất lượng. Điều quan trọng là hãy chứng tỏ bạn luôn cố gắng để tốt hơn chính mình.
5. Tại sao bạn lại muốn thay đổi công việc hiện tại?
Bạn muốn thay đổi công việc hiện tại vì có biến chuyển định hướng hoặc vì lý do nào đó. Điều đó cũng tốt thôi, nhưng hãy đảm bảo rằng bạn giải thích nó theo cách ít kiêu ngạo nhất.
Bạn cần trả lời nhiều hơn câu “Công việc không còn phù hợp.” Tại sao lại như vậy? Bạn có thể bắt đầu bằng cách giải thích những phần bạn đã làm được (không ai muốn nghe bạn ghét mọi thứ về công việc cuối cùng của bạn), sau đó giải thích những gì bạn mong muốn nhưng chưa đạt được. Thiếu lộ trình thăng tiến trong sự nghiệp? Muốn có nhiều trách nhiệm hơn hoặc các dự án đầy thử thách?
Biết lý do của bạn, cũng như sự khéo léo lồng ghép những kì vọng cho công việc đang phỏng vấn dựa vào đó giúp Nhà tuyển dụng hiểu rõ bạn hơn.
6. Bạn sẽ là ai trong [X] năm tới?
Ngay cả khi bạn khẳng định 100% vào thời điểm phỏng vấn rằng công việc này phù hợp với bạn thì điều đó vẫn không có nghĩa là bạn đã sẵn sàng cam kết 10 năm tiếp theo trong cuộc đời của mình để tiếp tục làm việc đó. Đừng nói như thể bạn sẽ làm được trong khi bạn cũng chưa chắc chắn về điều ấy. Thay vào đó, hãy nói về những điều bạn muốn làm lâu dài.
Hãy nói về niềm đam mê của bạn đối với công việc thực tế mà bạn đang làm: “Với tư cách là giám đốc sản phẩm, tôi có thể thực hiện được ước mơ của mình là tạo ra các chiến lược kinh doanh từ lúc hình thành ý tưởng đến khi nó ra ngoài thị trường; và đó cũng là những gì tôi muốn phát triển trong suốt phần còn lại trong sự nghiệp của mình. ”
Bạn cũng có thể nói về các mục tiêu cá nhân của mình: sở hữu một ngôi nhà, bắt đầu danh mục đầu tư đa dạng, hỗ trợ gia đình, bắt đầu tự kinh doanh. Bạn nên thể hiện rằng công việc này sẽ cho phép bạn đạt được những mục tiêu cá nhân đó tốt hơn. Cuối cùng, hãy hướng cho người phỏng vấn thấy rằng công việc mới thực sự là một cơ hội đầy hứa hẹn với bạn. Không ai muốn thuê một người mà đối với họ công việc như một công cụ lý tưởng để kiếm tiền, thay vào đó hãy cho người phỏng vấn biết mục tiêu của bạn cũng là đạt được một thành tựu nhất định trong lĩnh vực này.
7. Tại sao bạn lại hứng thú với lĩnh vực này?
Một lần nữa, sự chuẩn bị và nghiên cứu của bạn sẽ phát huy tác dụng. Nếu bạn có một câu chuyện về lí do khơi dậy sự tò mò của bạn về lĩnh vực này, đó là điều tuyệt vời để bạn bắt đầu trả lời.
Hoặc có thể, hãy tham khảo điều gì đó mới trong tin tức liên quan đến ngành khiến bạn thu hút.
8. Bạn đánh giá thế nào là thành công?
Không có câu trả lời đúng sai cho câu hỏi này. Điều quan trọng là nhận thức rõ loại công việc bạn đang ứng tuyển. Nếu bạn đang nhắm tới một tập đoàn lớn, thì điểm mấu chốt bạn cần nhấn mạnh chính là lợi nhuận của công ty. Nếu bạn đang nộp đơn cho một tổ chức phi lợi nhuận, bạn nên chú trọng hơn đến tác động xã hội. Nếu bạn đang nộp đơn cho một công ty khởi nghiệp hoặc có thể là một hãng thời trang, bạn nên nói về tầm ảnh hưởng và sự hiện diện của công ty trên các phương tiện truyền thông.
Bạn cũng có thể đưa ra câu trả lời cho riêng mình, chẳng hạn như luôn cải thiện hiệu suất, đẩy mạnh hơn nữa sứ mệnh của công ty, tạo ra tác động tích cực tổng thể, duy trì chất lượng công việc tốt nhất, giữ vững tinh thần của nhóm, hoàn thành các dự án thành công và đáng tin cậy, …
9. Điều gì giúp bạn có thể ra khỏi giường vào mỗi buổi sáng?
Điều quan trọng với câu trả lời của bạn chính là hàm ý – nhà tuyển dụng không quan tâm đến sở thích cá nhân của bạn quá nhiều trong câu hỏi này, họ quan tâm đến giá trị, sự toàn diện và sự cống hiến của bạn.
Bạn có thể trả lời câu hỏi này với niềm đam mê liên quan đến công việc, hoặc một sở thích phù hợp và đừng quên thể hiện tại sao bạn đam mê nó.
10. Bạn có câu hỏi nào dành cho chúng tôi không?
Nhà tuyển dụng muốn điều gì đó cụ thể từ bạn: để xem liệu bạn có chú ý hay không và có phải là người đa nhiệm hay không. Có rất nhiều thông tin mới được đưa đến cho bạn trong một cuộc phỏng vấn và người phỏng vấn muốn xem bạn đã xử lý những thông tin đó như thế nào.
Bạn nên cố gắng hỏi ít nhất ba câu hỏi trước khi kết thúc cuộc phỏng vấn, nhưng đừng chỉ hỏi để hỏi. Nếu bạn có thể dễ dàng Google câu hỏi đó, đừng hỏi nó. Tốt hơn hết, bạn nên chuẩn bị trước một số câu hỏi cụ thể về công ty và ghi nhớ chúng. Nếu bạn quay cuồng vào cuối buổi phỏng vấn, bạn có thể hỏi về những thông tin bạn đã tham khảo về công ty từ họ để ít nhất họ biết rằng bạn đã có nghiên cứu.
Cũng sẽ không vấn đề gì nếu bạn đặt những câu hỏi liên quan đến tương lai công việc này cho người phỏng vấn. Chẳng hạn như: “Thử thách lớn nhất mà anh/chị nghĩ tôi sẽ đối mặt khi vào vị trí này là gì?” “Tại sao người đang làm vị trí này lại nghỉ?” “Tôi sẽ làm việc với ai hàng ngày và một ngày bình thường ở vị trí này sẽ như thế nào?”
Nếu bạn đang chuẩn bị cho một cuộc phỏng vấn, hãy chuẩn bị thật tốt các câu hỏi chung, câu hỏi cùng chủ đề. Vì trình tự câu hỏi, chi tiết câu hỏi sẽ thay đổi theo cuộc đối thoại. Thêm vào đó, cách suy nghĩ tổng quát về từng chủ đề sẽ giúp bạn trả lời mang tính hội thoại và trở nên đáng tin cậy hơn, điều này là điểm cộng lớn cho bạn so với các đối thủ khác.
Chúc bạn chuẩn bị thật tốt & chiến lược nhé.