Thông điệp của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc: Cùng hành động, cùng có trách nhiệm

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm ví mỗi nước như một thành tố tạo nên bản giao hưởng lớn của thời đại.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres - Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres – Ảnh: TTXVN

Và thông điệp của ông tại Liên Hiệp Quốc là hướng tới tất cả, khẳng định vai trò của Việt Nam trong việc tạo nên giai điệu của hòa bình, thịnh vượng cho thế giới.

“Trong thế giới đang mạnh mẽ chuyển mình ngày nay, mỗi quốc gia đều đóng một vai trò quan trọng trong bản giao hưởng lớn của thời đại” – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh tại phiên thảo luận chung cấp cao của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào ngày 24-9 (giờ Mỹ, tức ngày 25-9 theo giờ Việt Nam).

Thúc đẩy tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc

Trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chia sẻ tầm nhìn của Việt Nam về tương lai. Ông nhấn mạnh hòa bình, ổn định là nền tảng để kiến tạo tương lai thịnh vượng, cần thúc đẩy tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc ở tất cả các quốc gia.

Bên cạnh đó phải đảm bảo sự phát triển bình đẳng của mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng, mỗi con người trong điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa khác nhau.

Ông kêu gọi chú trọng hỗ trợ các nước đang phát triển, chậm phát triển, đặc biệt về nguồn vốn ưu đãi, chuyển giao công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời tạo thuận lợi về đầu tư, thương mại và giảm gánh nặng nợ cho các nước nghèo.

Ông cũng thúc giục việc sớm thiết lập những khuôn khổ quản trị toàn cầu thông minh với tầm nhìn dài hạn về khoa học – công nghệ, nhất là công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo, để vừa thúc đẩy tiến bộ nhưng cũng vừa ngăn chặn những rủi ro tiềm tàng.

Ông cho rằng cần có tư duy mới, tập trung vào chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và chuyển đổi quản trị toàn cầu, từ đó giúp các quốc gia tăng cường sức chống chịu, năng lực tự cường. Đồng thời cần đặt con người ở vị trí trung tâm, trong đó cần đặc biệt quan tâm đầu tư và phát triển toàn diện thế hệ trẻ.

Tầm nhìn về các vấn đề quốc tế

Nghiên cứu sinh tiến sĩ Phan Xuân Dũng (ĐH Quốc gia Úc) nhận xét thông điệp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Liên Hiệp Quốc ngày 24-9 là rất phù hợp và ý nghĩa trong bối cảnh thế giới hiện tại.

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Dũng nhận định điểm ấn tượng là việc Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế và đặt con người làm trung tâm trong mọi nỗ lực phát triển.

“Câu nói “mỗi quốc gia đều đóng một vai trò quan trọng trong bản giao hưởng lớn của thời đại” là một ẩn dụ ấn tượng và sâu sắc, thể hiện tầm nhìn của Việt Nam về hợp tác quốc tế”, ông Dũng nói.

“Câu nói thể hiện rằng mỗi quốc gia, giống như mỗi nghệ sĩ trong một dàn nhạc, đều có vai trò và đóng góp riêng của mình. Điều quan trọng là cần có sự phối hợp chặt chẽ, hài hòa để tạo nên một bản giao hưởng toàn cầu”, ông Dũng giải thích.

Nhà nghiên cứu Tô Minh Sơn (ĐH Công nghệ Nanyang, Singapore) phân tích: “Điều ấn tượng nhất trong thông điệp của Việt Nam là chỉ rõ tình thế “phân mảnh” toàn cầu và trách nhiệm của các nước lớn với sự thịnh vượng của thế giới. Là một nước trải qua nhiều chiến tranh với các cường quốc và từng là tâm điểm trong hoàn cảnh phân cực của Chiến tranh lạnh, Việt Nam là nước có kinh nghiệm phù hợp để nói về điều này”.

Nhìn rộng ra hai thông điệp của Việt Nam lần này tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (thông điệp đầu tiên tại Hội nghị Thượng đỉnh tương lai vào ngày 22-9), ông Sơn nhận định cả hai bài có nhiều khía cạnh đan xen nhau, chủ yếu về nhu cầu cần đáp ứng và hướng đi cần có để thế giới ổn định và phát triển.

“Hai thông điệp là minh chứng rõ cho tầm nhìn của Việt Nam về các vấn đề quốc tế, đặc biệt là từ góc nhìn của đại đa số toàn cầu – các nước đang phát triển”, ông Sơn nói thêm.

Theo ông Sơn, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành nước trung gian kiến tạo hòa bình vì nhiều điểm phù hợp, trong đó có lịch sử đã trải qua, có quan hệ rất tốt với các nước lớn, tham gia vào rất nhiều mạng lưới khu vực cũng như toàn cầu và có sự độc lập, tự chủ vững vàng về chính sách ngoại giao và quốc phòng.

“Hiện tại, cái cần thiết nhất từ Việt Nam là sự tự tin để vận dụng vốn liếng này vào các quá trình đa phương và hòa giải để làm một trung gian không thiên vị và hiệu quả”, ông Sơn nhận định

Mục nhập này đã được đăng trong News. Đánh dấu trang permalink.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *