Hiện nay, tại Việt nam xuất hiện một vị tu sĩ tên là Thích Minh Tuệ, nổi tiếng khắp thế giới. Người tu hạnh đầu đà, một hạnh khó khổ nhất trong đạo Phật.
Trong Phật giáo, có nhiều phương pháp tu hành, tùy theo sở thích, căn cơ, mỗi người tự chọn cho mình một pháp tu. Như Ngài Ma ha Ca Diếp là vị tu hạnh đầu đà đệ nhất, ngài Xá lợi Phất là trí huệ đệ nhất, ngài Mục kiền Liên là thần thông đệ nhất, ngài Phú lâu Na là thuyết pháp đệ nhất…mỗi vị tu theo một hạnh tùy thích, tu hạnh nào cũng được.
Riêng tu theo hạnh đầu đà là đơn giản nhưng khó khổ nhất. Cần thiết phải có một cơ thể mạnh khỏe, cường tráng, chịu đựng được sương gió, đói khát, nóng lạnh …vì hạnh tu này phải tuân theo 13 pháp khổ hạnh như: ăn ngày một bữa, trước giờ ngọ, mặc y phấn tảo tức là dùng vải vụn, người ta đã vứt bỏ, chắp vá lại thành cái y để dùng, và chỉ có ba y, không được nhiều hơn, ngủ ở dưới gốc cây, ở rừng, nơi đất trống hay nghĩa địa, đi chân đất, không mang giày dép…khó vô cùng, nói chung là phải “ ít muốn, biết đủ, tinh tấn, viễn ly”, nên rất ít người tu theo hạnh này được. Thầy Thích Minh Tuệ đã giữ giới và tu đúng theo 13 hạnh đầu đà của Phật dạy, nên ông đúng là một tu sĩ Phật giáo, một tu sĩ kiệt xuất nhất, rất hiếm khi xuất hiện.
Nhiều Phật tử thắc mắc rằng, tu như vậy, nếu đúng là tu sĩ Phật giáo thì xây chùa chiền, am thất để làm gì?
Việc này, trong kinh Na Tiên tỳ kheo đã có giải thích rõ ràng. Trong câu hỏi thứ 125, Mi Tiên vấn đáp, khi vua Mi Lan Đà chất vấn ngài Na Tiên rằng, Phật dạy người tu hành như nai trong rừng, rày đây mai đó, muốn ăn, muốn ngủ chỗ nào cũng được, không cố định nơi nào, tự do tự tại, đó là hạnh của tỳ kheo. Nhưng có nơi khác, Phật lại dạy rằng, người Phật tử nên xây lập chùa viện, am thất để chư Tăng có nơi chỗ an ổn tu hành, thì phước đức vô cùng to lớn, kiếp sau có thể sanh lên các cõi trời người, an lạc, sung sướng vô cùng và cũng có thể dứt được sanh lão bệnh tử, giải thoát niết bàn. Phật dạy hai lời như vậy, thì cái nào đúng, cái nào sai?
Ngài Na Tiên trả lời nhà vua rằng, cả hai điều này, Phật dạy đều đúng cả.
Thứ nhất, Phật dạy thầy tỳ kheo sống tự do tự tại, rày đây mai đó, như nai trong rừng, cái ý chính là dạy cho chư Tăng không được đắm chấp, lưu luyến, dính mắc chỗ nào cả.
Còn điều thứ hai, Phật dạy người Phật tử nên xây dựng chùa viện, am thất để chư Tăng có nơi cư ngụ an ổn, sẽ được phước đức, là vì nếu không có chùa viện, am thất thì các Phật tử lấy đâu có nơi để học hỏi, tham vấn giáo lý, chư Tăng lấy đâu chỗ để truyền giới cho đệ tử, để phổ biến giáo lý rộng rãi, để Phật pháp được lưu truyền lâu dài?
Đức Phật không có chỗ nào ngăn cấm chư Tăng, không được ở chùa viện, am thất, cũng không có chỗ nào khuyên bảo chư Tăng phải ở trong rừng, dưới gốc cây, nơi nghĩa địa. Điều quan trọng là muốn chư Tăng không được lưu luyến, dính mắc, đắm chấp nơi nào, mà phải sống đời thanh thản, tự do tự tại mới đúng phẩm hạnh của một vị Tỳ kheo.
Ngày xưa, thời Phật còn tại thế, chỉ có Tăng đoàn còn gọi là giáo đoàn để phân biệt tu sĩ và cư sĩ tại gia. Nhưng trong hoàn cảnh ngày nay, gặp thời mạt pháp, ma chướng rất nhiều, một mình rất khó tu, nên chư Tăng phải hòa hợp, đoàn kết lại để bảo vệ lẫn nhau, tránh các sự phá rối từ bên ngoài, nên mới có các tổ chức giáo hội.
Và một thắc mắc nữa là sư Thích Minh Tuệ có đúng là một tu sĩ Phật giáo không?
Việc này tu sĩ Thích Minh Tuệ cho biết rằng, ông đã xuất gia, vào chùa tu và được Pháp danh là Thích Minh Tuệ, và ông đã giữ giới, tu đúng theo 13 hạnh đầu đà mà đức Phật đã dạy, vậy thì rõ ràng ông là một tu sĩ Phật giáo.
Tu sĩ Thích Minh Tuệ là một người giữ giới luật, tu theo hạnh đầu đà của Phật dạy, không nhà không cửa, không chùa viện, am thất, rày đây, mai đó, ngày ăn một bữa, mặc y phấn tảo, ngủ dưới gốc cây, nơi đất hoang, nghĩa địa, tự do tự tại, không nơi cố định, đúng phẩm hạnh một vị tu sĩ Phật giáo, mọi người ai cũng kính phục, noi theo, công nhận đúng là một tu sĩ Phật giáo, thì còn cần gì phải theo giáo hội này, tổ chức kia cho thêm phiền phức, buộc ràng?
Cách đây hơn 6 năm, Sư Minh Tuệ đã vân du tứ phương từ nam ra bắc rồi ngược lại, thầy độc hành trên con đường vạn dặm để mang ánh sáng từ bi trí tuệ của Phật giáo đến với mọi người, nhất là người dân và Phật tử còn rất mơ hồ về Phật giáo.
Và gần đây đạo hạnh của Thầy đã toả sáng, tâm từ của Thầy đã làm cảm động lòng người và quỷ thần, nên đã có hàng ngàn, hàng chục ngàn rồi đến hàng trăm ngàn người đã tháp tùng cùng thầy từng đoạn trên đường thầy đi qua.