Tới Trung Đông, Tổng thống Putin được cho là muốn xích lại gần hơn với các cường quốc dầu mỏ trong khu vực, đồng thời thuyết phục họ dần rời xa Mỹ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 6/12 thực hiện chuyến công du nước ngoài hiếm hoi tới Trung Đông kể từ khi chiến sự với Ukraine bùng phát. Điểm đến của ông Putin là Arab Saudi và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), hai cường quốc dầu mỏ mà Nga đang muốn tăng cường quan hệ khi phải đối phó với loạt lệnh trừng phạt chưa từng có từ phương Tây.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman tại Riyadh hôm 6/12. Ảnh: Reuters
Yury Ushakov, trợ lý chính sách đối ngoại của Tổng thống Putin, hôm 5/12 cho biết chuyến công du Trung Đông này rất quan trọng, nhằm “tăng cường quan hệ hữu nghị” cũng như giải quyết những biến động ở khu vực sau khi Hamas tấn công lãnh thổ Israel hồi đầu tháng 10 và Tel Aviv đáp trả bằng chiến dịch quân sự quy mô lớn tại Dải Gaza.
Tổng thống Putin từ tháng 3 đã hạn chế ra nước ngoài sau khi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ban hành lệnh bắt ông với cáo buộc “di chuyển bất hợp pháp” trẻ em Ukraine, điều Moskva phủ nhận. Theo giới chuyên gia, Arab Saudi và UAE là các điểm đến an toàn với ông Putin, vì hai nước đều không ký hiệp ước chung của ICC.
Dù vậy, Moskva đánh giá Trung Đông là khu vực “tiềm ẩn nhiều hiểm nguy và những yếu tố khó đoán định”, buộc không quân Nga phải triển khai 4 tiêm kích hạng nặng Su-35S mang vũ khí hộ tống chuyên cơ Il-96 chở Tổng thống Putin trong chuyến công du.
Video do quân đội Nga công bố cho thấy mỗi chiếc Su-35S bảo vệ ông Putin đều được lắp tên lửa đối không tầm trung R-77-1 và tầm ngắn R-74M. Việc ông Putin chấp nhận những rủi ro tiềm ẩn để tới Trung Đông cho thấy việc tăng cường quan hệ với các quốc gia Arab đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết đối với Nga, theo giới quan sát.
Nga đang nỗ lực tìm kiếm thêm nguồn cung vũ khí và hợp tác từ các quốc gia thân thiện, khi chiến sự Ukraine tiếp tục kéo dài. Mặt khác, ông chủ Điện Kremlin cũng có thể tận dụng cơ hội này để khoét sâu thêm chia rẽ giữa Mỹ với các cường quốc dầu mỏ ở Trung Đông, theo bình luận viên Ann M. Simmons củaWSJ.
Tổng thống Putin từng mô tả xung đột Israel – Hamas là ví dụ điển hình cho thấy chính sách của Mỹ ở Trung Đông đã thất bại như thế nào. Ông cáo buộc Washington lơ là trong việc “tìm kiếm những thỏa hiệp được cả hai bên chấp nhận”.
Các nhà phân tích chuyên nghiên cứu chính sách Nga ở Trung Đông nhận định chuyến thăm mới nhất nằm trong nỗ lực của Tổng thống Putin nhằm củng cố các mối quan hệ đối tác rất cần thiết, đồng thời truyền thông điệp tới phương Tây rằng mặc dù bị Mỹ và châu Âu cô lập, Nga vẫn có thể phát huy ảnh hưởng và lôi kéo các nước được cho là có quan hệ với Mỹ.
“Nhìn chung, tầm quan trọng của Trung Đông đã tăng lên đáng kể đối với Nga trong hai năm qua”, Nikita Smagin, chuyên gia độc lập về chính sách Nga, nhận xét.
Đối với các quốc gia Arab ở Vùng Vịnh, nơi có hàng nghìn binh sĩ Mỹ đồn trú và đã mua hàng tỷ USD vũ khí từ Mỹ, việc đón tiếp Tổng thống Putin tới thăm cho thấy họ đang cố gắng hành xử cân bằng, thận trọng nhằm đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế và thu được lợi ích lớn nhất từ các đối tác nước ngoài.
“Đó là một tín hiệu cho Mỹ rằng khu vực này đang rất thất vọng về phản ứng của Washington đối với tình hình ở Gaza”, Nikolay Kozhanov, giáo sư nghiên cứu Vùng Vịnh tại Đại học Qatar, đánh giá.
Tại Riyadh, Tổng thống Putin gặp Thái tử Mohammed bin Salman để thảo luận về chính sách dầu mỏ và các cuộc xung đột ở Gaza và Ukraine, cũng như thương mại và đầu tư.
Hai ông lớn dầu mỏ đến nay vẫn đồng hành trong thiết lập chính sách khai thác dầu. Cả hai nước đã thu về thêm hàng tỷ USD từ việc bán dầu mỏ trong những tháng gần đây, sau khi động thái cắt giảm sản lượng của họ khiến giá dầu thô tăng vọt. Mối hợp tác này khiến Washington giận dữ. Họ vốn cáo buộc Riyadh giúp đỡ Moskva tăng cường năng lực tài chính để phục vụ cho chiến dịch ở Ukraine.
Mối quan hệ đối tác giữa hai quốc gia, bắt nguồn từ năng lực sản xuất dầu mỏ khổng lồ của họ, đã khiến thỏa thuận đổi dầu lấy an ninh kéo dài gần nửa thế kỷ giữa Washington và Riyadh bị đảo ngược. Các nhà phân tích cho rằng Điện Kremlin muốn đảm bảo thỏa thuận này tiếp tục bị vô hiệu hóa.
Theo Maria Fantappie, người đứng đầu chương trình Trung Đông và châu Phi tại Viện Nghiên cứu Quốc tế ở Rome, Italy, Riyadh có thể vận động Moskva ủng hộ tầm nhìn của họ về giải pháp hai nhà nước cho xung đột Israel – Palestine, thậm chí thuyết phục Nga lôi kéo Iran cùng tham gia.
Iran, đối thủ của Arab Saudi, là đồng minh quân sự duy nhất của Nga ở Trung Đông. Tehran bị phương Tây cáo buộc cung cấp cho Moskva hàng nghìn UAV tự sát để tấn công hạ tầng năng lượng Ukraine. Đổi lại, Nga đã cung cấp máy bay huấn luyện cho Iran và đang xem xét thỏa thuận bán tiêm kích Su-35 cho Tehran, tiềm ẩn khả năng làm thay đổi cán cân sức mạnh không quân ở Trung Đông.
Tổng thống Putin trước hội đàm với người đồng cấp UAE Mohammed bin Zayed Al Nahyan tại Abu Dhabi ngày 6/12. Ảnh: Reuters
“Ông Putin muốn được nhìn nhận như một nhà môi giới hòa bình thực sự, trong khi Mỹ và phương Tây ngần ngại làm điều đó và vẫn ủng hộ quyền tự vệ của Israel”, Fantappie nói.
Tại UAE, cuộc hội đàm của ông Putin với Tổng thống Mohamed bin Zayed Al Nahyan tập trung vào hợp tác song phương và các vấn đề khu vực, theo thông báo từ Điện Kremlin.
Năm ngoái, khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt làm tê liệt nền kinh tế Nga, UAE vẫn cung cấp cho Nga các hàng hóa như chip máy tính, linh kiện điện tử và những sản phẩm lưỡng dụng có thể dùng cho mục đích quân sự, bất chấp áp lực từ Mỹ và châu Âu.
UAE lâu nay vẫn tự định hình mình là một quốc gia trung lập có thể tiếp nhận cả căn cứ quân sự lớn của Mỹ và dòng vốn từ Nga đổ vào. “UAE là bạn của tất cả mọi người. UAE luôn sẵn sàng hợp tác”, nhà khoa học chính trị Abdulkhaleq Abdulla bình luận.
Với việc Israel nối lại cuộc tấn công vào Gaza khiến cộng đồng quốc tế bất bình và tâm lý bất mãn ngày càng tăng đối với Mỹ tại dư luận các quốc gia Arab, ông chủ Điện Kremlin có lẽ đã nhận thấy cơ hội tăng cường ảnh hưởng của Nga trong khu vực.
“Bằng cách hợp tác với các quốc gia Vùng Vịnh, Tổng thống Putin muốn định vị Nga là một đối tác trung lập hoặc đối tác thay thế, từ đó dần đẩy các quốc gia này ra khỏi liên minh truyền thống với Mỹ”, theo bài bình luận đăng trênFirst Posthôm 6/12.
Vũ Hoàng(TheoWSJ, First Post)