Một số hình ảnh Thị trấn Thắng
Bài này cho một số hình ảnh của Thị trấn Thắng mở rộng (thêm toàn bộ xã Đức Thắng, thôn Gió và thôn Đức Nghiêm). Đối với các bạn ngày nào cũng đi qua Thị trấn Thắng thì những hình ảnh này là quá thường, nhưng với các bạn xa quê lâu ngày thì thật là thú vị, vơi đi nỗi nhớ quê nhà.
Ảnh 1. Con cháu của những người dân Hiệp Hòa đang sinh sống xa quê hương thường hỏi cha mẹ hay ông bà rằng “Ông Tượng ở Hiệp Hòa không biết hình dáng ra sao và đặt ở chỗ nào mà ai ở Hiệp Hòa cũng nói tới ông Tượng”. Nếu dân Hiệp hòa nói “Ra ông Tượng mua mấy cân cam” hay “Ra ông Tượng mua cân thịt”, nghĩa là đi tới trung tâm của Phố Thắng.
Ông Tượng của Hiệp Hòa (được làm bằng xi măng): chàng thanh niên mặc bộ quần áo ta, chân đi đất, thắt lưng da ngang lưng, bên sườn phải cài lựu đạn quả na, tay phải cầm mã tấu, tay trái cầm cờ cán tre theo Đảng đi cướp chính quyền huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang 1945. Ông Tượng đặt tại ngã sáu, chính giữa vườn hoa thị trấn Thắng, trước cửa Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, gần cây đa cổ thụ. Phía sau ông Tượng là hồ nước lớn nhân tạo rất lớn của huyện, bên cạnh hồ là Hiệu thuốc của huyện
Ảnh 2. Trước ngày có Ông Tượng, cây đa cổ thụ trước cửa Ủy ban huyện là biểu tượng của Hiệp Hòa. Cây đã có hàng trăm năm, những người hiện nay 100 tuổi nói rằng khi bé họ đã thấy cây đa to như vậy. Nhánh chính của cây đa đã bị gãy, hai nhánh lớn xum xuê hướng về hướng nam và hướng bắc. Giữa cây rỗng có đặt một bàn thờ và bát hương. Từ Đình Trám về Hiệp Hòa cách xa cây đa 5-10 km đã nhìn thấy ngọn đa. Ngày 19/8/1945 đại diện nhân dân các xã của Hiệp Hòa tập trung tại huyện lỵ để dự mít tinh chứng kiến sự ra mắt của Ủy ban dân tộc giải phóng huyện. Một lá cờ đỏ sao vàng to lớn, rực rỡ, tươi rói phần phật tung bay trên đỉnh ngọn cây đa cổ thụ tại trung tâm huyện lỵ.
Ảnh 3. Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn đứng nơi đắc địa nhất tại trung tâm của huyện lỵ, cạnh ông Tượng. Đây là ngôi nhà lớn nhất, xây hiện đại nhất của huyện Hiệp hòa cho tới thời điểm hiện nay. Trong ảnh: rẽ trái là đi cầu Vát, rẽ phải là vào phố Thắng cũ.
Ảnh 4. Toàn cảnh từ ông Tượng nhìn sang nhà Bưu điện của huyện (hướng đông). Bùng binh phía trước ông Tượng là nơi tấp nập nhất của huyện Hiệp hòa. Trong ảnh: rẽ phải là đi Đình Trám, rẽ trái là sang Ngã Tư Biển
Ảnh 5. Ngã Tư Biển: nơi xuất phát của tất cả các ô tô đi mọi hướng từ Hiệp Hòa. Trong ảnh: rẽ phải là đi Đình Trám, rẽ trái là đi Thái Nguyên, đi thẳng là vào doanh trại bộ đội cũ
Ảnh 6. Cây đa cổ thụ làng Dinh Hương. Làng Dinh Hương hình thành sau khi có Lăng Dinh Hương, cách đây gần 300 năm.
Ảnh 7. Ngã ba Trại Cờ: đi thẳng là Thái Nguyên, rẽ phải là vào Yên Thế, ngược lại là về Đình Trám, Việt Yên. Đây là một địa danh lịch sử, là điểm hạ trại dưỡng binh của nghĩa quân Yên Thế: trước khi xuất quân về căn cứ địa Phồn Xương, Yên Thế, cụ Đề Thám đã làm lễ tế cờ tại đây để khích lệ tướng sĩ. Từ đó vùng đất này có tên là Trại Cờ (nghĩa là Trại tế cờ).
Ảnh 8. Địa điểm này trước 1965 là Trường cấp 2-3 Hiệp Hòa. Trên nền đất của ngôi nhà này năm 1964 là lớp 9 nhà tre lợp mái lá cọ. Hiện nay đây là Trường phổ thông cơ sở xã Đức Thắng. Năm 1959 trẻ em xã Ngọc Sơn như tôi phải lên tận huyện mới có trường cấp 2 để học. Năm 1963 bắt đầu có cấp 3 ở Hiệp Hòa (lớp 8 của hệ 10 năm), trước đó muốn học cấp 3 phải lên học tận Bắc Giang. Khoảng năm 1920 để học cấp 1 trẻ em Hiệp Hòa đã phải lên tận Bắc Giang rồi, hàng tuần chiều thứ 7 đi xe tay (do người kéo) về nhà nghỉ ngày chủ nhật.
Bài và ảnh: Bùi Thế Tâm, biên soạn lại ngày 14/8/2009