Cuộc sống luẩn quẩn của những nhân viên ‘ngồi máy tính, sống máy lạnh’

Họ là những nhân viên văn phòng không còn động lực, cũng không còn muốn cố gắng. Cuộc sống quẩn quanh dưới máy lạnh, bàn giấy chỉ khiến họ thêm ngột ngạt.

Thời tiết mưa lạnh, số ca F0 tăng cao sau Tết Nguyên đán càng là cái cớ để Trần Thúy Hạnh (sinh năm 1997, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) không muốn xuất hiện tại văn phòng. Nhưng vì quy định của công ty, cô vẫn phải ra đường lúc 7h sáng, đi chặng đường 15 km đến công sở và sau đó làm công việc mà cô cho rằng “ở nhà cũng làm được đó thôi”.

Trước Tết, Thúy Hạnh đã tính nghỉ việc. Cô là nhân viên sale admin tại một công ty sản xuất đồ gia dụng và sau hơn một năm gắn bó, cô khẳng định mình không phù hợp với môi trường này.

“Tuy nhiên, tình hình dịch vẫn căng thẳng, tôi đành tiếp tục làm việc. Hơn nữa, tôi sợ đi nơi khác sẽ không có được mức lương ổn định 12 triệu đồng như ở đây. Tôi vừa chán việc, vừa không có động lực nhưng vẫn tiếc lương, cuối cùng cứ mãi luẩn quẩn với công việc tẻ nhạt này”, Hạnh kể với Zing.

Công việc tại công sở khiến nhiều nhân viên mệt mỏi, ngột ngạt. Ảnh minh họa: Phạm Ngôn.

zombie cong so anh 1

 

zombie cong so anh 1

Công việc tại công sở khiến nhiều nhân viên mệt mỏi, ngột ngạt. Ảnh minh họa: Phạm Ngôn.

Theo khảo sát xu hướng nguồn nhân lực và môi trường làm việc tại Việt Nam được thực hiện bởi Anphabe vào cuối năm 2020, người lao động trong nước ngày càng giảm sự gắn kết với công ty và đà giảm này diễn ra liên tục trong vòng 5 năm qua, từ 71% vào năm 2016 xuống còn 53% vào năm 2020.

Đáng quan ngại, có 35,1% người đi làm có ý định nhảy việc trong vòng một năm. Trong nhóm này, có đến 7,1% là những nhân viên có nỗ lực nhưng vẫn muốn ra đi và 28% còn lại thuộc nhóm nhân viên không nỗ lực và ấp ủ ý định đổi việc.

“Nhóm người lao động này có thể trở thành ‘zombie công sở’ – những nhân viên không gắn kết với doanh nghiệp, thiếu động lực làm việc – thế hệ mới, gia nhập cùng nhóm ‘zombie nguy cơ’, tạo ra nhiều thách thức về năng suất và văn hóa tại các doanh nghiệp”, báo cáo nêu chi tiết.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 với sự tác động đến kinh tế, sức khỏe và tinh thần, càng có nhiều người lao động bày tỏ sự chán nản với công việc, đặc biệt là công việc văn phòng.

Mặc cho “làn sóng nghỉ việc” diễn ra sôi nổi ngay sau khi thị trường dần mở cửa, không phải ai cũng sẵn sàng rời bỏ nơi làm việc hiện tại của mình. Sợ thay đổi môi trường, thiếu động lực, tiếc lương và mối quan hệ đồng nghiệp là những lý do hàng đầu dẫn đến tâm lý nêu trên.

Theo khảo sát, người lao động trong nước ngày càng giảm sự gắn kết với công ty. Ảnh minh họa: Phạm Thắng.
zombie cong so anh 2

 

zombie cong so anh 2

Theo khảo sát, người lao động trong nước ngày càng giảm sự gắn kết với công ty. Ảnh minh họa: Phạm Thắng.

Quẩn quanh với máy tính, máy lạnh

Sau hai năm tốt nghiệp đại học, nhờ đến mối quan hệ quen biết, Nguyễn Quỳnh Trang (sinh năm 1996, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) vào làm việc tại một nhà xuất bản sách thuộc nhà nước.

Cô được gia đình dặn dò rằng vị trí này rất khó để vào, phải cống hiến và gắn bó lâu dài. Nghĩ đến viễn cảnh được tham gia vào công tác biên tập sách, cô không giấu được tâm trạng hào hứng.

Thế nhưng mọi sự kỳ vọng của cô nhanh chóng biến mất chỉ sau hơn 3 tháng làm việc. Theo đó, thay vì được làm công việc mình ứng tuyển, Trang lại được giao quản lý fanpage mạng xã hội. Cô cũng nhận việc tổ chức sự kiện ra mắt sách, các hội chợ sách lớn trong năm, nhưng vì dịch nên không thể tiến hành.

“Tôi hiểu mình là người mới, phải làm quen từ công việc đơn giản nhất. Tuy nhiên, thời gian ‘làm quen’ này kéo dài quá lâu so với sức chờ đợi khiến tôi mệt mỏi rất nhiều”, cô nói.

Đến tháng thứ 4, Trang nhận thấy mỗi ngày đi làm, cơ thể cô như bị rút cạn toàn bộ năng lượng. Cô bắt đầu tìm cách để ra về sớm hơn, né tránh gặp gỡ đồng nghiệp và dù không chủ định nhưng mắt vẫn dừng lại ở những bài đăng tuyển dụng trên Internet.

“Bạn bè nói số tôi nhàn khi đi làm được nghỉ hoàn toàn thứ 7 và chủ nhật, giờ làm việc cũng không có sếp giám sát, đi muộn về sớm không ai quan tâm. Nhưng họ đâu biết chính điều đó làm tôi muốn từ bỏ ngay công việc của mình. Tôi không học hỏi thêm được gì cả, không ai hướng dẫn. Tệ hơn, tôi bắt đầu tự đặt câu hỏi liệu mình đã lựa chọn đúng hay sai. Nhưng tôi chưa dám xin nghỉ vì rất ngại người đã giúp tôi giới thiệu công việc này”, Trang bày tỏ.
zombie cong so anh 3

zombie cong so anh 3

Quỳnh Trang chán ngán công việc, cảm thấy không thể phát triển. Ảnh: NVCC.

Cũng giống như Quỳnh Trang, Nguyễn Nhật Linh (sinh năm 1996, TP Thủ Đức, TP.HCM) cũng không còn chút cảm hứng nào trong công việc. Đầu năm 2019, cô bắt đầu làm việc tại một công ty truyền thông, nhiệm vụ chính là kiểm soát lỗi chính tả trong các sản phẩm nội dung được đưa ra thị trường.

Đây là công việc chính thức đầu tiên của Linh kể từ khi tốt nghiệp đại học. Cô cho biết thời điểm nộp CV, cô không tìm hiểu kỹ tính chất công việc, chỉ mong muốn được đi làm ngay để kiếm tiền, giảm đi cảm giác bất an, lo lắng của cha mẹ về chuyện việc làm của con cái.

“Và rồi tôi nhanh chóng phải trả giá cho sự vội vàng của mình. Công việc của tôi thật sự khó phát triển, chỉ là những nhiệm vụ lặp đi lặp lại qua ngày. Khối lượng việc của tôi ngày một tăng lên mà sếp không tuyển thêm nhân sự. Điều này khiến tôi không thể làm việc một cách tâm huyết như ban đầu, chỉ đến văn phòng đọc chữ như một cái máy không cảm xúc. Dần dần, tôi hình thành tâm lý làm cho xong và không còn tha thiết với công việc”, Linh kể lại.

Ngoài ra, Linh cho biết mình càng có cảm giác tù túng, ngột ngạt hơn bởi không nhận thấy được sự coi trọng, quan tâm của cấp quản lý. Cô nhiều lần đề xuất một vấn đề lên lãnh đạo nhưng sếp chỉ tiếp nhận mà không xử lý. Chính điều này như giọt nước tràn ly khiến Linh quyết định xin thôi việc.

“Trong công ty, vị trí của tôi thật sự rất nhỏ, được trả lương thấp và ít khi được sếp hỏi han. Tôi nhiều lần mắc kẹt giữa suy nghĩ tiếp tục hay dừng lại, vì công việc này tôi làm đã lâu, tôi cũng là tuýp người ngại thay đổi môi trường mới.

Nhưng tôi nhận thấy rõ ràng mình không được coi trọng, lại không thể phát triển và chứng minh năng lực. Do vậy, tôi gửi email xin nghỉ việc vào đầu năm 2021, giải thoát mình khỏi nơi làm việc ngột ngạt”.

Không dễ dàng thoát vòng lặp nhàm chán

Hiện tại, Nhật Linh làm việc tại một công ty truyền thông mới với vị trí content creator. Cô không chia sẻ quá nhiều về công việc này nhưng khẳng định thoải mái, tự tin hơn rất nhiều so với vị trí trước đây.

“Ít nhất, giờ tôi không còn đi làm một cách vật vờ, cống hiến mà không được ai ghi nhận như trước đây nữa”, cô nói.
zombie cong so anh 4

Nhiều người trẻ tìm cách thoát khỏi công việc văn phòng ngột ngạt. Ảnh minh họa: Hoàng Hà

Nhưng trong khi đó, Quỳnh Anh lại không may mắn thoát ra được khỏi bóng ma tâm lý dù cũng đã nghỉ việc.

Giữa năm 2021, cô lấy hết can đảm để xin nghỉ việc tại nhà xuất bản. Bỏ việc không khó, cái khó của cô là sự phản ứng của người nhà.

“Sau khi tôi nói lý do dừng làm việc, người nhà tôi chau mày, hỏi tôi vì sao không chịu cố gắng thêm. ‘Cứ bập bõm thế rồi đi đâu cũng khó thôi’, chú ấy nói với tôi như vậy”, Quỳnh Anh kể.

Và lời nói đó gây áp lực khiến Quỳnh Anh thiếu tự tin và động lực để bứt phá, tìm kiếm công việc mình yêu thích. Cô nộp CV vào một số nhà sách, nhà xuất bản tư nhân nhưng vì không có kinh nghiệm liên quan, cô vẫn chỉ được giao quản lý fanpage, seeding nội dung trên mạng xã hội. Dù không hề mong muốn, cô vẫn chấp nhận vị trí này.

“Tôi muốn đi học thêm về nghiệp vụ biên tập sách nhưng cứ chần chừ, sợ rằng mình không có duyên với nghề. Dường như quãng thời gian gần một năm dậm chân tại chỗ tại nhà xuất bản kia đã khiến tôi trở thành con người thiếu quyết tâm như vậy. Bây giờ tôi nên làm gì nhỉ? Hay là tôi lấy chồng?”, Quỳnh Anh cười và nói.

Related Posts

Kinh Bắc News

Kinh Bắc Web Blog’s chuyên cập nhật chia sẻ thông tin kiến thức kinh nghiệm thiết kế và nhiều nội dung hấp dẫn. Theo dõi chúng tôi để cập nhật thêm nhiều kiến thức thông tin thú vị nhé. Website: kinhbacweb.com | tinhocbacninh.biz.vn | tinhdautamngoc.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *